Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

HỌ NGUYỄN CẢ HƯƠNG CÁT

HỌ NGUYỄN CẢ HƯƠNG CÁT
Họ Nguyễn Cả Hương Cát, ở làng Hương Cát, Thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định là một trong 3 dòng tộc họ Nguyễn là: Nguyễn Cả, Nguyễn Hai và Nguyễn Ba, trong tộc phả tiền nhân cả ba họ đều không ghi tại sao như vậy. Ba dòng tộc họ Nguyễn cùng với các dòng tộc họ Lưu, Phạm, Đoàn, Lê, Đặng, Bùi... dựng thành làng Hương Cát.

Nhà thờ của ba dòng họ Nguyễn đều ở trung tâm làng Hương Cát. Làng Hương Cát trước đây là một quần thể các nơi thờ tự tín ngưỡng như Chùa Phổ Quang, Đình làng Hương Cát, Đền Đông ( thờ hai tướng Dịch Chiết và Cung cai giúp Bà Trưng đánh quân của Thái Thú Tô Định), Đền Tây và rất nhiều các miếu thờ Thần. Sau năm 1975, cuộc cách mạng xóa bỏ hình ảnh xã hội cũ diễn ra tại vùng làng quê xã Trực Thành đã nổ ra, các ngôi Đền Đông và Đền Tây cùng hàng loạt các Miếu thờ Thần đã bị phá huỷ san phẳng thành cánh đồng. Ngôi Chùa Phổ Quang nơi thờ Phật trong xã cũng bị phá dỡ dở dang. Đến năm 1978 nhà nước sáp nhập hai xã Trực Thành và Trực Cát thành xã Cát Thành, rồi đến năm 2006 nhà nước chuyển đổi lên Thị trấn Cát Thành.
Trưởng tộc cùng các con cháu trong dòng họ dâng hương rước vong linh tổ về nhà thờ
 Nhà thờ họ Nguyễn Cả Hương Cát được xây dựng từ bao giờ Tộc phả không ghi, chỉ qua lời truyền ngôn thủa ban đầu Nhà thờ hướng Nam và đã bị hỏa hoạn cháy. Sau đó Tổ Quang Thiều đời thứ 9 và Tổ Văn Khái đời thứ 11 tổ chức xây dựng lại nhà thờ theo hướng Tây. Đến năm Kỷ Mùi - 1918, Tổ Ngọc Thụy đời thứ 12 và Tổ Bá Khoát đời thứ 13 tổ chức xây dựng lại mới Từ đường theo hướng cũ là hướng Nam. Đến năm 1983 Từ đường được sửa chữa lại và lần sửa chữa mới nhất là năm 1994, phục dựng lại hậu cung và 3 gian nhà bái đường theo kiến trúc gạch xây vòm cuốn. Cổng họ được xây dựng năm 1918 đến năm 1994 thì phải giải bản cùng ngoại từ và đến năm 2006 cổng họ cũng được phục dựng lại theo dáng dấp trước đây tiền nhân đã xây dựng.

Lăng Mộ Tổ được tiền nhân đặt gần bờ sông thuộc xóm Trung Hoà ngày nay, ngày xưa các cụ già trong làng gọi đây là vùng đất hình con cá. Năm 1987, Lăng Mộ Tổ được con cháu xây dựng trên nền đất cũ, mảnh đất này là hòn đảo giữa hồ nước, nơi đây phong cảnh trời đất như hoà với nhau. Lăng Mộ Tổ nằm cách Nhà thờ dòng họ khoảng 500m về phía Tây, đối diện với Trường tiểu học và Trường trung học cơ sở. Ngày nay con cháu ở xa về ăn Tết Nguyên Đán, về thăm gia đình, hay về thăm quê hương, hoặc về tảo mộ trong tiết Thanh Minh, đều đi qua con đường phía Tây và đằng trước Lăng Mộ Tổ.

Nhà thờ họ/ Từ đường Họ Nguyễn Cả Hương Cát là nơi thờ cúng cụ Thuỷ Tổ/Nhất Tổ/ Sơ Tổ, các cụ Tiên Tổ, các cụ Hậu Tổ ( Những người không có con nối dõi, những người không có vợ/ chồng, những bà cô ông mãnh chết trẻ) không có người thờ cúng, các cụ Cao Tổ (kỵ) , Tằng Tổ (cụ), Hiển Tổ (ông), Hiển Khảo Tỷ ( Bố mẹ đã hết tang). Đây là nét riêng đặc trưng của dòng họ Nguyễn Cả Hương Cát mà không có dòng họ nào có. Ngày rằm tháng bảy (tiết Vu Lan) hàng năm, hội đồng dòng họ làm lễ cúng và đọc sớ từ cụ Thủy Tổ đến hàng Hiển Khảo tỷ.

Các cụ Tiên Tổ là những người đã khuất là con cháu của cụ Thuỷ Tổ. Cụ Tiên Tổ trong mỗi gia đình được tính theo dòng con trai trưởng từ Tử (con) - Tôn (Cháu) - Tằng (Chắt) - Huyền (Chút) - Lai ( Chít). Khi đời Huyền ( Chút ) qua đời con của đời Huyền là Lai (Chít) hết tang ( tức là đời thứ sáu hết tang đời thứ năm) thì các đời Tằng-Huyền-Lai của Cụ tổ chức cúng lễ và rước Cụ về Nhà thờ dòng họ lên hàng Tiên Tổ, hội đồng tộc họ tổ chức lễ cúng rước nhận linh hồn cụ về Nhà thờ dòng họ.

Theo sách " Ngũ đại mai thần chủ" cũng như phong tục thờ cúng Tổ Tiên trong nhân gian ngày nay, ở tại mỗi gia đình chỉ thờ cúng 5 đời tính từ bản thân thuộc dòng con cả gồm: Hiển khảo tỷ (cha,mẹ), Hiển/Tổ khảo tỷ ( Ông bà ), Tằng tổ khảo tỷ (cụ) và Cao Tổ khảo tỷ (kỵ). Khi ông bà, cha mẹ qua đời con cháu hết chịu tang (2 năm 3 tháng) đồng thời với việc con cháu thờ cúng ông bà, cha mẹ tại gia đình, thì con cháu dâng lễ hương hoa bánh kẹo báo cáo với Tổ Tiên, để Tổ Tiên đón nhận linh hồn con cháu của Tổ Tiên đã về với Tổ Tiên. Hội đồng dòng họ sẽ vào sổ người đã mất, để "Xuân kỳ - Thu tế' cùng với Tổ Tiên.