HƯƠNG HỎA


              
" Vầng nhật nguyệt chiếu mười phương rạng rỡ
Đức Tổ Tiên muôn thủa sáng ngời "

Hương hỏa (香火) nghĩa gốc là nhang đèn, nến dùng để tế tự Tổ tiên. Từ nghĩa gốc có thêm nghĩa bóng chỉ việc con cháu thờ cúng tế tự Tổ tiên, được mượn dùng để chỉ tài sản của một dòng họ, gia tộc giao cho thế hệ sau để thờ cúng, với mục đích giữ gìn việc thờ cúng Tổ tiên, người đã khuất. Tải sản hương hỏa bao gồm nhà đất, ruộng vườn.

Từ Đường dòng họ tiền nhân/ Tổ tiên đã xây dựng trên mảnh đất Tổ tiên để lại từ khi nào không thấy ghi chép để lại, chỉ truyền lại là ban đầu Từ đường xây dựng có hướng Nam. Đến đời thứ 8 và đời thứ 11 là cụ Nguyễn Quang Thiều và cụ Nguyễn Văn Khái đã bàn nhau xây dựng lại Từ Đường có hướng Tây, có hậu cung và tiền đường bằng gạch xây lợp ngói, kiểu chữ " Đinh". Nhưng một thời gian sau trong Dòng họ thiếu sự hòa hợp đồng thuận, trong họ con cháu có nhiều sự không vui. Phải chăng do Từ đường không hợp hướng?


Đến năm 1918, vào đời cụ Nguyễn Ngọc Thụy và cụ Nguyễn Bá Khoát tổ chức họp Hội Nghị Đồng Tộc bàn bạc để xây dựng lại Từ Đường theo hướng cũ là hướng Nam mà bậc tiền nhân đã xây dựng. Từ Đường mới cũng có hậu cung, tiền đường nhưng trang hoàng hơn trước. Từ đó trong dòng Họ có nhiều tiến bộ, ngày càng phát triển, con cháu vui vẻ hòa thuận hơn trước.

Đến năm có chiến tranh bắn phá 1953-1954, đại bác rơi thủng vòm cuốn hậu cung. Năm gian tiền đường tường xây bao, cột và hoành bằng gỗ lim lẫn gỗ tạp nên bị mối mọt, nếu để sợ không an toàn khi tế lễ nên đã phải dỡ xuống.


Ngày 15 tháng giêng năm Quý Hợi (1983). Hội Nghị Đồng Tộc quyết định sửa chữa hậu cung, đảo ngói và vá chỗ vòm cuốn bị thủng do đại bác rơi vào.


Ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1994). Hội nghị Đồng Tộc quyết định xây dựng lại Tiền đường trên nền cũ, chiều dài 9m, chiều rộng 5m (trong lòng), con cháu ở quê hương cũng như xa quê cùng nhau đóng góp xây dựng.

Khởi công xây dựng ngày 01/04/1994 ( 21/3/Giáp Tuất). Khi công trình cơ bản hoàn thành, việc trang trí hoàn thiện chưa được đẹp. Hội nghị Đồng Tộc họp yêu cầu Ban xây dựng tìm thợ vẽ đưa ra mẫu mới, Hội nghị Đồng Tộc dòng họ họp bàn, xem xét quyết định mới được hoàn thiện tiếp. Việc thi công tiếp tục tiến hành khi mẫu hoàn thiện mới được Hội Nghị Đồng Tộc duyệt ngày 28 tháng 4 năm 1994, sau đó bắt tay và hoàn thiện tiếp, đến ngày 5/5/1995 ( 9/4/Ất Hợi) mới hoàn thành. Hội Nghị Đồng Tộc họp xem xét đối chiếu giữa bản vẽ với thực tế xây dựng đạt yêu cầu mới tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng Từ đường như ảnh bên dưới.

Đồ thờ của nhà thờ dòng họ, Tổ Tiên, con cháu còn giữ lại được là những chiếc khám thờ, 03 bức hoành phi và 03 đỉnh đồng, bát hương sứ. Từ khi khánh thành Từ Đường dòng họ đến nay con cháu ở quê cũng như xa quê đã cúng dường vào Từ Đường rất nhiều đồ thờ mới như: Hương án, hoành phi, câu đối, chuông, đỉnh đồng, nến đồng, hạc đồng, bát hương đồng, lọ hoa đồng, cây đèn, sập thờ, lọ lục bình và cây cối...

"Gây mối thờ tự tốt đẹp, lòng hiếu kính đó là khuôn phép;
Đức lớn cháu con thịnh vượng, phúc lộc dõi truyền"


QUY TẬP VÀ XÂY DỰNG LĂNG MỘ TỔ.

Đến đời thứ 16 ( năm 1949), con cháu nhận thấy các mộ Tiên Tổ nằm rải rác khắp các cánh đồng của làng Hương Cát. Hàng năm đến tiết Đông Chí, con cháu đi tu sửa mộ rất vất vả, và có thể còn nhầm lẫn, nên ngày 12/11/1949 (18/10/Kỷ Sửu) Hội Nghị Đồng Tộc họp quyết định quy tập rước 7 ngôi mộ Tiên Tổ (đời thứ 2,3) về "lăng" cùng với Thuỷ Tổ. Việc thực hiện rước các mộ Tiên Tổ bắt đầu ngày 02/12/1949 hoàn thành ngày 16/12/1949.


Ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Mão ( 20/02/1987), Hội Nghị Đồng Tộc quyết định xây lăng mộ Tổ. Kinh phí xây lăng mộ Tổ do các nhân đinh tại quê hương, lớn hơn 16 tuổi là 200 đồng (0.6kg thóc), dưới 16 tuổi là 100 đồng (0.3kg thóc) và các con cháu trai gái nơi xa quê hương tuỳ tâm công đức. 

Ông Nguyễn Thế Truyền Trưởng Tộc làm trưởng Ban xây dựng. Ông Thiệu, Ông Nồng và Ông Vê khảo sát thiết kế lăng mộ. 

Hội nghị Đồng Tộc duyệt mẫu thiết kế. Công việc xây dựng khởi công ngày 8/3/ Đinh Mão (5/4/1987), trải qua 22 ngày xây dựng, nhờ có thiên thời ( khí hậu thời tiết đẹp), địa lợi ( đất tốt, mặt bằng rộng), nhân hoà ( con cháu đoàn kết phấn khởi với công việc của mình làm, lăng mộ đã xây dựng hoàn thành. Ngày 6/4/Đinh Mão (8/5/1987), dòng họ tổ chức khánh thành lăng mộ Tổ. Ngày khánh thành lăng mộ Tổ là ngày hội tụ các con cháu của Tổ tiên đông vui chưa bao giờ từ trước đến nay, con cháu ở khắp nơi tụ hợp về Từ đường, lăng mộ đông như vậy, từ các huyện Hải Hậu, các xã trong huyện Trực Ninh, thành phố Nam Định và các tỉnh xa như Hà Nội, Hải Phòng, Hoà Bình cũng về dự và dâng hương cúng Tổ tiên, khánh thành lăng mộ. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, bày tỏ nỗi niềm tâm sự khôn xiết. Con cháu của Tổ đều trên thuận dưới hoà, anh nhường em kính sẽ tiếp tục sinh ra các con cháu thảo hiền nối dõi đời đời không phụ công đức của Tổ Tiên. Thật đúng là một vùng đất anh linh Thuỷ Tổ đã chọn.


VIỆC CHÉP PHẢ.

Tổ tiên ngày trước đã ghi chép Phả tộc bằng chữ Hán từ đời Thủy tổ  đến năm 1952.

Ngày 15/7/Nhâm thìn (3/9/1952 DL). Hội nghị Đồng Tộc họp quyết định dịch và viết phả tộc sang chữ Việt, vì do phả tộc cũ ghi bằng chữ Hán con cháu sau này ít người biết, và phả tộc cũ cũng đã nhàu nát. Phả tộc chữ Việt ngày nay do cụ Nguyễn Bá Khoát đọc dịch từ Phả tộc chữ Hán, cụ Nguyễn Văn Hãn ghi chép thành Phả tộc tiếng Việt. Hai quyển Phả chữ Nho vẫn tiếp tục lưu giữ.

Năm 1983. Tộc Phả được sao chép, viết bổ sung bởi ông Nguyễn Đức Hợp, Nguyễn Đình Phước, Nguyễn Văn Nồng. Việc sao chép lại quyển Tộc Phả bằng chữ Hán. Viết 2 quyển bằng chữ Việt, nội dung ghi tách ra ngành có con cháu ở nhà ghi riêng. Không ghi ngành không có con cháu ở nhà vào Tộc Phả mới.

Ngày 20 tháng 4 năm Đinh Mão, (27/5/1987). Viết bổ sung người mới sinh và người đã mất vào Tộc Phả. Theo yêu cầu lưu trữ tài liệu mới, Tộc Phả được biên soạn thành 4 quyển.
     1.   Quyển Phả ký thế hệ
     2.   Quyển Phả đồ hình cây.
     3.   Quyển Phả huý hiệu Tổ Tiên để đọc khi tế lễ.
     4.   Quyển lưu niệm ghi chép việc đóng góp và tiến cúng.


Sau gần 4 năm thực hiện viết mới Tộc Phả, đến ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ (23/2/1990) được hoàn thành. Con cháu thế thứ về giỗ Tổ được tận mắt xem rất tâm đắc.

Năm 2008 Phả Tộc được cập nhật và xuất bản mới vào năm 2009.
Hội nghị dòng tộc đã chủ trương sẽ ghi chép Phả Tộc tất cả các Gia tộc là hậu duệ của Thủy tổ Nguyễn Hướng Thiện trên khắp mọi miền đất nước.



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét