HUYỆN TRỰC NINH
Trực Ninh là một huyện của tỉnh Nam Định. Phía đông giáp huyện Xuân Trường với sông Ninh Cơ là ranh giới tự nhiên; phía tây giáp các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng; phía nam giáp huyện Hải Hậu; phía bắc giáp tỉnh Thái Bình.
Lịch sử
Trực Ninh là phần phía nam huyện Nam Chân xưa. Huyện Nam Chân là một trong 4 huyện thuộc phủ Thiên Trường (phủ này được đặt từ thời nhà Trần, thời thuộc Minh đổi thành phủ Phụng Hoá, thời nhà Lê
lấy lại tên cũ Thiên Trường, đến năm 1682 thời Lê Trung hưng đổi thành
Nam Trân. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833) chia huyện Nam Trân thành hai
huyện Nam Chân và Chân Ninh. Thời vua Tự Đức đổi làm Xuân Trường. Thời Thành Thái đổi Chân Ninh thành Trực Ninh.
Khi mới thành lập (1833) huyện Chân Ninh gồm 6 tổng của huyện Nam Chân đầu thế kỷ 19
(Duyên Hựng Hạ, Kim Giả, Phương Để, Quần Lãng, Thần Khê, Trung Lao) và
tổng Ninh Nhất mới hình thành, tương đương với huyện Trực Ninh và một
phần phía tây huyện Hải Hậu ngày nay. Thời Tự Đức gồm 7 tổng, 62 xã,
thôn, trang; cuối thế kỷ 19 còn 52 xã, thôn do cắt một số xã lập huyện
Hải Hậu. Đầu thế kỷ 20 huyện Trực Ninh gồm 7 tổng với 52 xã, thôn.
Danh
sách các tổng thuộc huyện Trực Ninh vào đầu thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20
như sau: Duyên Hưng Hạ, Giả Thượng, Kim Giả, Ngọc Giả, Ninh Cường,
Phương Để, Quần Lãng, Thần Khê.
Sau cách mạng tháng 8, huyện Trực Ninh ra đời với hàng loạt các xã mới trên cơ sở sát nhập nhiều xã, làng cũ đồng thời đặt tên mới.
Đơn vị hành chính của huyện Nam Ninh gồm thị trấn Cổ Lễ và 40 xã:
Bình Minh, Cát Thành, Điền Xá, Đồng Sơn, Hồng Quang, Liêm Hải, Nam
Cường, Nam Dương, Nam Giang, Nam Hải, Nam Hoa, Nam Hồng, Nam Hùng, Nam
Lợi, Nam Mỹ, Nam Phong, Nam Thái, Nam Thanh, Nam Thắng, Nam Tiến, Nam
Toàn, Nam Vân, Nghĩa An, Phương Định, Tân Thịnh, Trực Chính, Trực Cường,
Trực Đạo, Trực Hùng, Trực Hưng, Trực Khang, Trực Mỹ, Trực Nội, Trực
Phú, Trực Thái, Trực Thanh, Trực Thắng, Trực Thuận, Trực Tuấn, Trung
Đông, Việt Hùng.
Tháng 1-1997, huyện Nam Ninh thuộc tỉnh Nam Định vừa được tái lập.
Tháng 4-1997, huyện Nam Ninh lại được tách trở lại như trước khi hợp nhất, thành 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh.
Điều kiện tự nhiên
Huyện
Trực Ninh có diện tích tự nhiên là 14.318,96 ha, dân số 188.189 người
gồm 21 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Trực Thắng, Trực Đại, Trực
Thái, Trực Cường, Trực Phú, Trực Hùng, Trực Nội, Trực Hưng, Trực Khang,
Trực Mỹ, Trực Thuận, Trực Thanh, Trực Đạo, Trực Tuấn, Phương Định,
Trung Đông, Trực Chính, Liêm Hải, Việt Hùng và thị trấn Cát Thành, thị
trấn Cổ Lễ (Huyện lỵ).
Lịch sử văn hóa
Đời sống văn hoá tinh thần của người Trực Ninh cũng rất đa dạng,
phong phú, vừa phản ánh những nét riêng theo phong tục, tập quán của mỗi làng
quê, vừa ghi đậm dấu ấn bản sắc dân tộc. Hàng năm, sau khi vui tết nguyên đán,
trong tiết xuân bà con tưng bừng mở hội, các đền, chùa cổ kính suốt
tháng năm trầm mặc, uy linh nay sống động trong không khí linh thiêng của dân
làng và khách muôn phương về đây hội tụ. Suốt những ngày lễ, dân làng kính cẩn
dâng hương, tưởng nhớ công đức của những người có công lao giữ làng, giữ nước.
Ban ngày, sân Đình sôi động với những trò chơi dân gian như bắt vịt dưới ao,
đánh vật, kéo co, chọi gà... Có những trò chơi mang tính trí tuệ như cờ tướng,
cờ người... Ban đêm Đình làng rộn rã tiếng trống của các chiếu chèo diễn các
tích: Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Thạch Sanh... Làm súc động lòng người.
Trong khi đó tại các văn đàn các bậc nho sĩ tập trung tế lễ các bậc tiền bối đạo
nho. Cứ như thế đều đặn hàng năm trở thành nếp văn hoá truyền thống, với
những sắc thái đặc sắc. Người dân Trực Ninh dù đi đâu cũng không thể quên được
hội rước kiệu đêm ngợp trong ánh đuốc lung linh của hội làng Cụ Trữ, những cánh
đu bay bổng cao vút trong không trung của hội làng Cổ Chất. Và mỗi độ Thu về, khi
hội chùa Cổ Lễ bước vào chính hội thì bên sông dân các làng náo nhiệt thi bơi chải
trong môn tiếng hò reo trống thúc.
Xây dựng, giữ gìn bảo vệ quê hương đất nước là truyền thống
của người Trực Ninh từ khi mở đất dựng làng. Yêu quê hương đất nước được thể hiện
trong đời sống tâm linh qua việc tôn thờ những danh nhân, danh tướng có công
đánh giặc cứu nước như Đền thờ các vị Quế Miêng, Nam Hải ở Nam Lạng (Trực Tuấn)
là tướng thời Hùng Vương, đền Giáp ở An Khê (Trực Ninh) thờ Lê My là tướng của
An Dương Vương
Đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng phất cờ, chỉ huy dân, binh
đánh quân Tô Định, hai anh em Dịch Chiết, Cung Cai, đã nhiệt tình hưởng ứng, chiêu
mộ nghĩa binh theo Hai Bà đánh giặc. Hai anh em được Hai Bà phong thưởng, tưởng
nhớ công lao của hai anh em Dịch Chiết, Cung Cai nhân dân Hương Cát (xã Trực
Thành cũ ) lập đền Đông, đền Tây để tôn thờ.
Từ năm 1258 dưới thời vua Trần Thái Tôn và các năm 1285, 1287 thời vua Trần Nhân Tông, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh triều Trần đã lập chiến công hiển hách: Ba lần chiến thắng quân Nguyên-Mông, đội quân đã từng bách chiến bách thắng, trên các chiến trường châu Âu, châu Á. Khi chiến sự diễn ra quyết liệt, trước sức mạnh ồ ạt của giặc; vua tôi nhà Trần đã rời kinh thành Thăng Long về Thiên Trường tìm kế chống giặc, vua Trần chú trọng xây dựng phòng tuyến phía Nam, để phòng giặc Nguyên-Mông từ phía biển đánh lên. Hưởng ứng việc xây dựng phòng tuyến đánh giặc, ở Trực Ninh co hai anh em sinh đôi là Bùi Khiết và Bùi Tuyết đã về Xối Đông chiêu nạp binh sĩ, đóng đồn Thượng, đồn Trung. Hàng ngày quân sĩ luyện tập đao, kiếm, luyện tập cưỡi ngựa đánh gươm sẵn sàng giết giặc. Cùng thời gian đó có ông Trương Long, giỏi võ nghệ vễ chiêu binh, nạp sĩ, lập đồn Hạ, dựng lầu cao làm nơi quan sát tình hình địch. Ba đồn hình thành cụm căn cứ liên hoàn, án ngữ bờ nam sông Hồng, phòng ngừa quân giặc.
Đầu xuân Ất Dậu (1285) chính quân tướng ở ba đồn binh này đã phục binh, rút ván cầu, làm cầu giả, lừa quân Nguyên từ phía Bắc xuống, xua chúng qua cầu rồi rút ván cho rơi xuống sông, bọn còn sống sót hoảng loạn, tháo chạy thì sa vào trận địa phục kích sẵn bị đánh tơi tả thất bại hoàn toàn.
Từ trận chiến thắng Nguyên-Mông mùa xuân ấy, cầu được mang
tên là cầu Vô Tình. Đời sau mùa xuân có người qua cầu Vô Tình, đã làm bài thơ Vô
Tình hoài cổ, cảm khái vì trận chiến thắng đó:
Địa Quảng thiên cao, tứ vọng binh
Vô Tình đáo thử lãng do minh
Trần Quân ca xứ, Nguyên quân khấp
Kỷ đọ xuân phong đoản sáo hoàng
Nơi ba đồn binh nhà Trần, nay thuộc các thôn Xối Đông Thượng,
Xối Đông Trung, Xối Đông Hạ, cung thờ các tướng Bùi Khiết, Bùi Tuyết, Trương
Long, còn con ngựa, đường Bồ Đề?... thuộc xã Trực Đông (nay là xã Trung Đông)
năm 1995 đã được Bộ văn hóa xếp hạng, trao Bằng di tích Lịch sử văn hoá.
Ở Mặt lăng Kênh, Mặt lăng Mưỡu còn ghi dấu tích chiến công
và đền thờ các vị tướng triều như Trần Nhật Duật, Trần Công Châu, Vũ Quốc Đông
... đã lãnh đạo quân đánh giặc…
Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, cùng với cuộc khởi
nghĩa của Lê Lợi, nhiều cuộc khởi nghĩa khác đã mở ra, trong đó có tướng quân
Lê Điệt, từ căn cứ Diên Hà-Kiến Xương, chuyển sang địa bàn Trực Ninh luyện
quân, chờ thời cơ đánh giặc.
Ông Vũ Thái đã đầu quân làm tướng của Lê Lợi, được phong Tổng
thuỷ đội, lục quân. Khi đất nước thanh bình, ông trở về an nghỉ, khao thưởng
dân làng. Đền thờ ông hiện còn ở An Trung, Lộng Khê (Xã Trực Định).
Dưới triều Lê-Mạc, nhiều tướng lĩnh lập công, được phong thưởng
hiện còn dấu tích và đền thờ ở Trực Ninh như hạm
Thế Trưng ở Quỹ Đe được phong: phụ quốc thượng tướng quân, Thái bảo trực quận
công, Triệu Hưng Uy ở Quỹ Đe được phong Cấm y vệ tả hữu hanh điểm An phương hầu.
Hà Đình Siêu ở Nam Mỹ được phong Thiểm đọc tư dực bảo trung hưng, kỵ thiết mã
tín trung hầu. Đăng Đinh Kỷ ở Nam Ngoại được phong Thú nhất bách bộ vy phấn lực
tướng quân, Ninh Khác Khoan (ở Văn Lãng) được phong: Phấn lực tướng quân, Tư Lễ
Giám ở Nam Phúc được phong hình bộ Thượng Thư.
Đầu thế kỷ XIX dưới triều vua Minh Mạng, kinh tế - xã hội đất
nước ta suy yếu, gây bất bình trong nhân dân. Năm1821-1822 cả vùng sông Hồng bị
nạn đói trầm trọng. Ông Phan Bá Vành cùng nông dân nghèo vùng duyên hải Bắc Bộ
nổi dậy chống triều đình nhà Nguyễn. Cha con ông Ba Điều ở Dịch Diệp, các ông
Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thuận, Vũ Đức ở Lương Hàn đã giúp theo nghĩa quân Phan Bá
Vành. Ông Nguyễn Thiệng (tức Chỉ Thiệng) đã chiêu mộ hàng trăm dân binh, tự sắm
vũ khí, nổi dậy chống vua quan nhà Nguyễn. Ông cùng quân lính đã tế cờ, làm lễ
khao quân ở Sở Hạ Đồng trước giờ xuất phát.
Các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị dập tắt. Nhưng nghĩa cử cao
cả của các thủ lĩnh và nghĩa binh đã làm sáng danh truyền thống xây dựng quê
hương, bảo vệ tổ quốc của nhân dân Trực Ninh.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (từ 1858), triều đình nhà
Nguyễn nhu nhược, lùi dần trước sức ép của thực dân và cuối cùng đặt toàn bộ đất
nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Cả nước đã dấy lên cao trào chống
Pháp và triều đình nhà Nguyễn bán nước.
Hoà trong làn sóng đấu tranh của dân tộc, các nhân sĩ, sĩ phu ở Trực Ninh đã biểu
lộ tinh thần yêu nước với những hoạt động phong phú.
Hưởng ứng phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo, cụ
Phan Đình Mẫn ở Dịch Diệp đã bí mật quyên tiền, gạo và vận động thanh niên hưởng
ứng sôi nổi. Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), nhân
cơ hội nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng, tổ chức Quang Phục do cụ Phan Bội Châu
sáng lập chủ trương tổ chức những cuộc bạo động vũ trang đánh Pháp ở nước ngoài
để phối hợp với lực lượng vũ trang ở trong nước. Nhiều thanh niên, học sinh
đang học tại Băng Cốc (Thái Lan) rất tích cực theo chủ trương của Quang Phục hội,
trong đó có sinh viên Đinh Trọng Liên (tức giáo Trung), tức Hồng Việt, sinh năm
1882 người xã Trừng Hải.
Chính quyền Xiêm đã theo dõi bắt các anh đưa về Việt Nam. Thực
dân Pháp mở phiên toà đại hình từ ngày 17 đến ngày 20-10-1916 do hội đồng quân
sự thứ I Bắc Kỳ xét xử, chúng đã kết án tử hình Đinh Trọng Liên và một số người
khác. Hồi 6 giờ ngày 6-11-1916 chúng thi hành án tại Nam Định. Viên chánh mật
thám Bắc Kỳ thị sát vụ hành hình đã báo cáo lên cấp trên của hắn: Những người bị
án, ra pháp trường một cách bướng bỉnh. Nhất là giáo Trung ngậm thuốc lá ở mồm
đến phút cuối cùng.
Từ sau năm 1930, đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí
Minh lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng Tháng 8, đập tan bộ máy chính quyền
phong kiến ở địa phương, xây dựng chính quyền nhân dân.
Trong giai đoạn chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc,
hàng vạn lượt nam nữ thanh niên Trực Ninh đã gia nhập quân đội chiến đấu tại
các chiến trường, làm nghĩa vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, có hàng ngàn lượt
người đã ngã xuống để bảo vệ độc lập tự do mà Lưu Chí Hiếu ( Hương Cát – Trực
Thành cũ) đã trở thành biểu tượng sáng ngời của những người cộng sản giữ vững
khí tiết, quyết không ly khai Đảng đến hơi thở cuối cùng. Hàng chục ngàn người
đã có công lao trong sự nghiệp cách mạng, trong đó có ba người được Nhà nước
phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang: Lưu Chí Hiếu, Đỗ Trọng Ngân sinh năm 1925 ở
Trực Bình và Ngô Quang Điền sinh năm 1948 ở Trực Thuận. Nhiều bà mẹ đã dành người
con duy nhất cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Nhiều bà mẹ đã đóng góp từ 3 người
con trở lên cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và tất cả đều đã hy sinh. Mẹ Phan Thị
Đạo (xã Trực Đạo) đã động viên 7 người con lên đường đánh giặc cứu nước.
Điểm xuyến những nét cơ bản về đất và con người Trực Ninh,
chúng ta thấy có được vùng quê hiện hữu giàu đẹp no ấm như ngày nay là kết quả,
là mồ hôi, máu xương của bao thế hệ người Trực Ninh đã bền bỉ đấu tranh quyêt
liệt với thiên nhiên; với kẻ thù để trụ vững trên miền quê đất mới. Quá trình
lao động, chiến đấu ấy đã hình thành cốt cách chung và trở thành truyền thống của
người Trực Ninh là cần cù, thông minh, dũng cảm; một nền văn hoá địa phương với
những nét đặc sắc của văn hoá đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Với truyền thống ấy,
Trực Ninh góp phần tô đậm thêm trang sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.
VỀ TRỰC NINH ANH ƠI
Hẹn anh cùng về Trực Ninh
Đường qua Nam Định quê mình
Đượm tình dòng nước Ninh Cơ
Câu thơ qua những con đò.
Hẹn anh đi chùa Phúc Linh
Sang thăm Phương Định tơ tằm
Một nong tằm bằng năm nong kén
Áo lụa tơ duyên dáng quê mình.
Tới thăm chùa Cổ Lễ
Nghĩ về miền đất ông cha
Giữa bao la trần thế
Hồn chuông chẳng dễ vô tình
Bao năm suy tư trầm lặng
Đang chờ ngày vang ngân nga.
Dẫu mấy xa còn nhớ
Nhớ về miền đất quê ta
Nhớ bài dâu đồng mía
Thơm phù sa đất Ninh Cơ.
Tay em ươm tơ dệt lụa
Tay em gặt lúa lúa vàng
Mùa thu sang anh ơi nhớ về
Về Trực Ninh quê ta anh nhớ về.
( Bài hát của...)
Lịch sử hình thành vùng đất Nam Định
Là mảnh đất nằm giữa hai con sông lớn: sông Hồng và sông Đáy tạo nên địa giới tự nhiên giữa Nam Định với hai tỉnh Thái Bình, Ninh Bình. Sông Đào phân chia Nam Định thành hai vùng Nam - Bắc. Sông Ninh Cơ, sông Sò là giới hạn các huyện trong tỉnh. Nam Định có bờ biển dài 72 km, vùng kinh tế giàu tiềm năng có khả năng triển khai, thực hiện nhiều đề án phát huy thế mạnh kinh tế biển của tỉnh.
Theo các công trình nghiên cứu khoa học, miền đất Nam Định hình thành cách đây khoảng 70 triệu năm do ảnh hưởng tạo sơn thời kỳ Đại Tân Sinh, nâng ghềnh phía nam sông Hồng cao lên, biển Đông lùi dần và từng bước hình thành vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Dấu tích các loại động - thực vật có ở vùng biển và những hoá thạch tìm thấy trong lòng đất cho thấy: đây là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, tạo cơ hội cho con người quần tụ thành cộng đồng đông vui và khá sầm uất.
Tháp chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời Lý - Trần (xã Lộc Vượng - thành phố Nam Định)
|
Song để làm nên vùng non nước hữu tình, mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ người dân đã đổ xuống nơi đây để quai đê, ngăn mặn, khai phá sông ngòi, đào ao, vượt thổ tạo nên vùng đồng quê trù phú. Từ xa xưa, người nguyên thuỷ từ trên miền núi cao đã di cư xuống vùng đồng bằng do biển lùi dần về phía nam. Các dấu vết con người ở đây được xác định thuộc hậu thời kỳ đồ đá mới hoặc sơ kỳ thời đồ đồng cách đây chừng 5.000 năm. Công cuộc di cư và những tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối,... đã tạo nên làng, ấp. Dần dà, dân cư đến quần tụ tại vùng đất này ngày một đông, góp phần hình thành cộng đồng cư dân có chung mục đích, đoàn kết, hợp sức đấu tranh với thiên nhiên. Vì thế, cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên của người dân nơi đây là bản anh hùng ca của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, làm phong phú thêm nét đẹp truyền thống văn hoá làng, xã, tuy bình dị nhưng giàu tính nhân văn và liên tục phát triển.
Những thay đổi về tên gọi và địa giới
Thời thuộc Đường, Nam Định thuộc huyện Chu Duyên. Đời
Trần được gọi là lộ Thiên Trường, sau lại chia làm ba lộ: Kiến
Xương, An Tiêm, Hoàng Giang. Thời thuộc Minh, vùng đất này được
chia làm 3 phủ: Trấn Nam, Phụng Hoá, Kiến Bình. Đời Lê, thuộc
xứ Sơn Nam, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 năm 1741, vùng đất này
thuộc lộ Sơn Nam Hạ. Đến triều Nguyễn, năm 1832 đổi tên thành
tỉnh Nam Định, với 4 phủ, 18 huyện, bao gồm phần đất tỉnh Thái
Bình hiện nay. Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng. Nam
Định còn lại 2 phủ và 9 huyện. Từ năm 1926, tỉnh Nam Định có 2 phủ và 7 huyện, 78 tổng, 708 xã (phủ là cấp trung gian, tương đương với cấp huyện). Riêng thành phố Nam Định có 10 phường. Đến những năm 1930, địa giới hành chính của tỉnh Nam Định không có nhiều thay đổi.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh luôn có sự thay đổi. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Nam Định thuộc Liên khu ba. Năm 1953, 7 xã bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được cắt nhập vào huyện ý Yên. Đồng thời, 03 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, ý Yên nhập vào tỉnh Hà Nam. Đến tháng 4-1956, 03 huyện này lại được cắt trả cho Nam Định. Tháng 5-1965, Nam Định hợp nhất với Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Cuối năm 1967, 02 huyện Giao Thuỷ và Xuân Trường hợp thành huyện Xuân Thuỷ. Tháng 3-1968, 07 xã phía nam sông Ninh Cơ thuộc huyện Trực Ninh nhập với huyện Hải Hậu, 02 huyện Trực Ninh, Nam Trực nhập thành huyện Nam Ninh. Năm 1976, Nam Hà và Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1991, lại chia tách và tái lập tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Tháng 11-1996, tách tỉnh Nam Hà để tái lập 02 tỉnh Nam Định và Hà Nam. Sau đó, trong nội bộ tỉnh Nam Định, các huyện hợp nhất trước đây lại chia tách và tái lập như cũ, đó là: Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nam Trực và tái lập huyện Mỹ Lộc (gồm 10 xã). Năm 1997, xã Nam Vân, Nam Phong được cắt nhập từ huyện Nam Trực về thành phố Nam Định. Như vậy, đến cuối thế kỷ XX, tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính, bao gồm: 1 thành phố và 9 huyện, 225 xã, phường, thị trấn.
Không có nhận xét nào :
Không cho phép có nhận xét mới.