Theo
lẽ tự nhiên, theo dòng lịch sử phát triển của nhân loại, Quốc gia có Quốc Sử,
dòng Họ có TỘC PHẢ, Gia đình có GIA PHẢ để ghi chép việc quá khứ và hiện tại.
Dòng họ Nguyễn Cả làng Hương Cát cũng thuận theo lẽ tự nhiên, đã ghi chép việc
hình thành và phát triển của dòng Họ bằng TỘC PHẢ.
TỘC PHẢ chép rõ sự hình thành và
phát triển của dòng họ Nguyễn Cả Hương Cát (Nguyễn Đại Tộc), ghi rõ thế, thứ, hệ thống, sự tích và hành vi của
các bậc Tổ Tiên, lưu lại về sau cho cháu chắt nghiên cứu học tập, những ưu điểm nên noi
theo, khuyết điểm nên bồi bổ, để làm vật báu của dòng họ gia thế, treo làm đèn sáng cho Tổ tông. Đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày cháu chắt phải luôn luôn noi theo tấm gương sáng
ngời của các bậc tiền nhân để phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu, giúp
đỡ lẫn nhau, truyền thống hiếu học và tài năng xuất chúng để những thế hệ kế
tiếp noi theo và hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của dòng họ, vươn tới những điều
tốt đẹp nhất của nhân loại là: “ Chân – Thiện – Mỹ ”.
Con
người khi sinh ra, ai cũng có tên và có họ, ai cũng muốn biết mình sinh ra ở đâu, ai là Tổ Tiên đã khai sinh ra dòng họ? Dòng họ ta như thế nào?
Nước có nguồn, cây có cội, đức tài bồi luôn nhớ công xưa
Chim có tổ, người có tông, ơn tạo
lập mãi ghi nghĩa cũ
Nơi Tổ Tiên ta ở là Quê hương ta. “Quê
hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…Nếu ai không nhớ, sẽ không lớn
nổi thành người”. Đó là những vần thơ trong bài thơ của Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã được phổ nhạc, mà mỗi
khi nghe ta cảm thấy bồi hồi xúc động, ta càng cảm thấy thấm thía khi nhớ đến
hai tiếng Quê hương.
Con người, xưa kia và cũng như ngày nay đều tin rằng ở trong mỗi con người đều có 2 phần là thể
xác và linh hồn. Linh hồn sẽ quyết định thể xác. Thể xác chỉ là cái áo không
hơn không kém, chỉ khác rằng nếu cái áo bình thường thì con người có thể thay
ra mặc lại, còn cái áo cao cấp này thì không thay đổi cho đến cuối đời. Như
vậy, so với linh hồn, thể xác rất thấp bé, không giá trị. Thể xác chỉ tồn tại
trong một khoảng thời gian, nhưng linh hồn sẽ tồn tại vĩnh cửu. Nhiều nhà bác học
cũng đã nhấn mạnh linh hồn vĩnh cửu, ví dụ như Decater (1596-1650) có nói “tôi tư duy là
tôi tồn tại”. Sự tồn tại của con người thực chất là sự tồn tại linh hồn chứ
không phải tồn tại về thể xác. Thật vậy, một người có thể chết đi theo quan
niệm “cái chết” thông thường nhưng có thể họ sẽ sống mãi trong lòng của mọi
người, đối với mọi người họ không bao giờ chết. Đó là sự tồn tại vĩnh cửu linh
hồn họ trong ý thức của người khác. Ngoài Decater, nhà Triết học Platon (427-347 trước CN) cũng đã
đề cao linh hồn, ông cho rằng tri thức đích thực không thể nhận biết được nếu
không dùng tư duy con người (linh hồn nhận thức tri thức). Ông coi thường những
giác quan của con người (được tạo ra từ thể xác). Đối với ông tri thức đích
thực sẽ không nhận thức được bằng giác quan thông thường.
Trải
qua thời gian bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, chế độ xã hội đổi thay, nhưng dòng
họ Nguyễn Cả làng Hương Cát vẫn phát triển không ngừng, TỘC PHẢ vẫn tồn tại, được
các bậc TIỀN NHÂN giữ gìn như một báu vật. Vì vậy, tình cảm cốt nhục, tình yêu
thương các thế hệ trong dòng họ đều có tôn ti, trật tự, đó là truyền thống, tinh
hoa quý báu của bậc tiền nhân trong dòng Họ truyền lại.
Vậy, Tộc phả, không thể không có
" Nên, con cháu dòng họ Nguyễn Cả làng Hương Cát từ nay về sau có nhiệm vụ
phải tiếp tục viết Tộc phả, để giúp cho muôn đời sau thấu hiểu quá khứ, dù bất cứ
hoàn cảnh nào, dù ở quê hương hay xa quê hương, nhờ có TỘC PHẢ đã làm vui lòng
tất cả các thế thứ trong dòng họ. Ai cũng cảm động, vui mừng, sung sướng biết
được nguồn cội, tổ tông.
Thuỷ
Tổ họ NGUYỄN CẢ cùng các Thuỷ Tổ họ Nguyễn Hai, Nguyễn Ba, họ Lưu, họ Phạm, họ
Đoàn, họ Lê, họ Đặng… đến khai sáng lập nên làng HƯƠNG CÁT vào thời TRẦN thịnh
trị (1226-1400). Đến thế kỷ XVI (1573) niên hiệu Hoàng Phúc năm thứ hai, Hàn
lâm Viện Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã soạn thảo Ngọc Phả làng Hương
Cát lần thứ nhất, tiếp theo các thế kỷ XVII – XX, các sắc phong và câu đối ở Đền
và Chùa của làng, cũng như các bia đá ghi tên học vấn của Thuỷ Tổ, Tiên Tổ
trong làng, nay còn lưu giữ tại Đền và Chùa trong làng.
Câu đối ở Đền có ghi:
“ Tự bắc ri lai giang
ngạn chinh vân trần đại thuỷ
Cư nam an cát, hải an
sinh, tụ thập công tiền”
Dịch: Từ đất Bắc dời
về nơi đất bờ sông cày cấy, nhớ rằng thủa ấy thời nhà TRẦN đang thịnh trị, tới cõi Nam, làm ăn ở tại miền ven biển, tụ thành làng xóm, có 10 ông Tổ xây dựng lên.
Làng Hương Cát có 3 họ
Nguyễn là: Nguyễn Cả, Nguyễn Hai và Nguyễn Ba. Tộc Phả của cả ba họ tiền nhân đều
không ghi lại tại sao lại như vậy. Về pháp lý thì gọi chung là họ Nguyễn, việc
hôn nhân từ trước tới nay trai gái ba họ đều kết hôn với nhau.
Như vậy đến ngày nay ( thế
kỷ XXI) đất làng Hương Cát đã có gần 700 năm, nên việc viết Tộc Phả không sao
tránh khỏi sự hạn chế về tư liệu. Tuy vậy, với lòng nhiệt huyết của các thế thứ
trong dòng họ, cộng với sự giúp đỡ của con cháu nhiều dòng họ khác mà dòng họ
NGUYỄN CẢ đã tìm về được nguồn cội của cụ Thuỷ Tổ Nguyễn Hướng Thiện, phát tích
từ thôn Đào Yêu, Kiều Yêu, xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.
Qua các tư liệu hiện
nay có được và giống nhau:
1.
Tộc
phả họ Nguyễn Cả - Hương Cát và Tộc phả họ Nguyễn ở Đào Yêu cũng như Thế phả
Nguyễn Đại Tông ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đều ghi giống nhau “ Tổ Nguyễn
Hướng Thiện là hậu duệ của Triệu Tổ Nguyễn Bặc”.
2.
Câu
đối ở từ đường họ Nguyễn Cả làng Hương Cát ghi:
Câu đối thứ nhất:
“ Đào giang trường dẫn phong lưu phái
Hương hải tương truyền hiếu nghĩa môn”
Câu đối thứ hai:
“ Cát luỹ thiên niên ca phúc lý
Đào nguyên hà xứ tụng tiên phần”
3.
Tộc
phả của họ còn ghi lại: “ Thuỷ Tổ hồi hương bất phản”.
4.
Tộc
phả họ Nguyễn ở Đào Yêu: Tú tài Xuân Quang, họ Nguyễn Hai đi tìm gốc Thuỷ Tổ có
ghi lại “ Cựu phả sở ký viễn hĩ sinh ba chi”:
4.1. Đi
Thanh Hoá tỉnh, Hoàng Hoá huyện, bất tri xã ( Chưa khảo cứu)
4.2. Tộc
phả có huý hiệu Tổ Nguyễn Hướng Thiện đi Trấn Sơn Nam, Thiên Trường phủ, Chân
Ninh huyện, Đàm Cát xã.
4.3. Một
ở lại quê Đào Yêu
Cả hai bên họ Nguyễn ở
Đào Yêu và họ Nguyễn Cả ở làng Hương Cát ( Đàm Cát) qua nhiều lần khảo cứu, phân
tích đã đi đến thống nhất những tư liệu trên có đủ độ tin cậy.
Đào Yêu là nơi cụ Thuỷ
Tổ Nguyễn Hướng Thiện làng Hương Cát sinh ra, lớn lên đi lập nghiệp làm ăn, tuổi
già trở về Đào Yêu với Tổ tiên (chết). Mộ phần an táng tại gò Đống Cao hạ, thôn
Đào Yêu, xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.
Ngày Giỗ của cụ
Thuỷ Tổ Nguyễn Hướng Thiện ở làng Hương Cát là ngày 28 tháng giêng ( tháng 01 âm
lịch) hàng năm.
Như vậy, đến tháng 7
năm 1987 họ Nguyễn Cả ở làng Hương Cát đã tìm được nơi phát tích của cụ Thuỷ Tổ.
Thủa xưa Tộc phả ghi
bằng chữ Hán. Năm 1950 Tộc Phả được dịch sang chữ Việt. Năm 1990 Tộc phả được
viết bổ sung và đến năm 2008 tái bản có chỉnh lý bổ sung. Tôn trọng và phát huy
nguyên bản đồng thời bổ sung và chỉnh lý, phù hợp thế thứ và hợp với Quốc sử
qua các Triều đại.
http://nguyencahuongcat.blogspot.com/
http://nguyencahuongcat.blogspot.com/
Không có nhận xét nào :
Không cho phép có nhận xét mới.