Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

THIÊN TRƯỜNG NAM ĐỊNH - THĂNG LONG HÀ NỘI

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Nam Định
                                     
Năm 1010, sau một năm lên ngôi, Vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, đổi tên thành Thăng Long, chính thức đặt nền móng cho kinh đô nước Việt và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Khác với nhà Lý, nhà Trần, sau 37 năm hoàn thành sự nghiệp tạo lập vương triều, đến năm 1262 mới nâng cấp phủ riêng ở quê hương - nơi dấy nghiệp Tức Mặc - Thiên Trường thành hành cung Thiên Trường để “Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này.

Do đó, đặt sắc dịch hai cung để hầu hạ, lại đặt quan lưu phủ để trông coi” (Đại Việt sử ký toàn thư). Hành cung Thiên Trường được xây dựng và hoạt động như một kinh đô thứ hai, có tầm quan trọng cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội trong mối quan hệ với kinh thành Thăng Long. Theo PGS.TS Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Nam Định: Với tầm nhìn chiến lược của các Thượng hoàng nhà Trần, Thiên Trường được xây dựng trở thành một trung tâm chính trị, quyền lực thứ hai, là căn cứ, hậu phương chiến lược bảo vệ kinh thành Thăng Long. Ngoài ra còn có một căn cứ an toàn, làm hậu thuẫn cho hành cung Thiên Trường được chọn xây dựng chính là vùng rừng núi Vũ Lâm, thuộc phủ Trường Yên (Hoa Lư - Ninh Bình). Hệ thống căn cứ liên hoàn dựa vào nhau giữa hai hành cung Thiên Trường và Vũ Lâm đều có đường thủy nối liền với sông Đáy khi cần thiết có thể thoát ra biển dễ dàng, làm thế ỷ dốc, làm hậu phương cho Thăng Long khi có biến. Thực tế, Thiên Trường và Vũ Lâm đã trở thành hậu cứ quan trọng cho hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288). Thiên Trường và vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ xưa là vựa lúa của đất nước. Đất đai phì nhiêu, thực phẩm nông sản phong phú, xóm làng trù mật, dân cư đông đúc, bảo đảm cung cấp lương thảo cho hành cung Thiên Trường, cung cấp sức người sức của cho đất nước khi chiến tranh xảy ra. Thời Trần cũng xác lập chế độ điền trang thái ấp. Những điền trang thái ấp do các vương hầu quý tộc cai quản, đều là những tướng lĩnh xuất chúng trong các cuộc kháng chiến. Nơi đây vừa là cơ sở sản xuất kinh tế đảm bảo hậu cần cho chiến trường, vừa là những cứ điểm chiến đấu đầy uy lực cả phòng thủ lẫn tấn công. Thiên Trường là vùng đất xung yếu, điểm then chốt trong chiến lược bảo vệ đất nước thời Trần, là đất trú chân của triều đình, quân đội và một bộ phận nhân dân khi rút lui chiến lược khỏi kinh thành Thăng Long. Phần lớn trong số 12 điền trang thái ấp mà chúng ta biết được đều nằm ở phía nam Thăng Long, phân bố ở các vị trí trọng yếu: cửa ngõ phía nam Thăng Long như thái ấp Kẻ Mơ (Hoàng Mai - Hà Nội) của Trần Khát Chân; trục đường nước Bắc - Nam nối hai trung tâm chính trị lớn nhất Thăng Long - Thiên Trường như các thái ấp: Dưỡng Hòa của Trần Khánh Dư ở Duy Hải, Duy Tiên (Hà Nam); Quắc Hương của Trần Thủ Độ ở Thành Thị, Vụ Bản (Nam Định); thái ấp Cao Đài của Trần Nhật Duật ở Thành Thị, Bình Lục (Hà Nam); vùng phên dậu phía Nam có thái ấp Văn Trinh của Trần Nhật Duật; thái ấp của Trần Quang Khải ở thôn Độc Lập. Phủ Thiên Trường nằm ở ngã ba sông Vỵ Hoàng, Ninh Giang. Cận kề Thiên Trường; về giao thông đường bộ thì nằm cạnh đường Thiên lý (đường cái quan từ phủ Thiên Trường lên Thăng Long); về đường thủy từ đây có thể theo đường sông Ninh Giang vào sông Châu Giang ra sông Hồng lên kinh đô Thăng Long, lại có thể theo sông Vỵ Hoàng, sông Đáy vào sông Vân đến Trường Yên, theo sông Vĩnh vào cung Trùng Quang, nơi Thượng hoàng ngự. Thiên Trường - Thăng Long là hai trung tâm quyền lực cùng quản lý và điều hành đất nước. Chúng ta đều biết nhà Trần thiết lập thể chế chính trị “hai vua”, sau khi nhường ngôi về nghỉ ngơi nhưng chỉ trên danh nghĩa, các Thượng hoàng vẫn tham gia điều hành đất nước: “Gia pháp nhà Trần thì khác… con đã lớn thì cho nối ngôi chính, cha lui ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự … mọi việc đều do Thượng hoàng định đoạt cả... Vua nối ngôi không khác gì Hoàng Thái tử” (Đại Việt sử ký toàn thư). Theo PGS.TS Vũ Văn Quân (Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử trường Đại học KHXH và NV - Đại học Quốc gia Hà Nội), Thiên Trường còn là nơi đào tạo quan lại cho triều đình. Để trở thành người đứng đầu kinh thành phải qua ba bước thử thách trong thực tiễn cả về năng lực và tư cách: đứng đầu một lộ địa phương bình thường, tiếp đó đứng đầu phủ Thiên Trường, rồi về làm Thẩm hình viện (cơ quan triều đình trung ương). Tất cả các vị trí này đều phải hoàn thành xuất sắc thì mới được bổ nhiệm người đứng đầu kinh thành Thăng Long. Việc học hành, thi cử ở đất Thiên Trường vì thế cũng đặc biệt phát triển. Năm 1281 nhà Trần lập nhà học ở phủ Thiên Trường “định rõ 7 năm 1 khóa, đặt ra Tam khôi, điều lệ mỗi ngày một nghiêm ngặt, ân điển mỗi ngày một long trọng, công danh do đó mà ra, nhân tài đầy rẫy, so với nhà Lý trước thịnh hơn nhiều” (Lịch triều hiến chương loại chí - Phan Huy Chú). Nhà Trần đã mở 10 khoa thi Thái học sinh để chọn nhân tài. Truyền thống đất học của Thiên Trường chỉ đứng sau đất Đế đô Thăng Long. Hành cung Thiên Trường là sự khởi đầu cho sự đi lên vững vàng của một vùng đất trù phú giàu tiềm năng cận sông, giáp biển. Sự xuất hiện của hành cung Thiên Trường cùng với những chính sách của vương triều Trần về khẩn hoang, lấn biển, xây dựng điền trang, thái ấp đã có tác động kích thích kinh tế nông nghiệp, ngành nghề thủ công nghiệp địa phương phát triển. Bên cạnh đó, sự tập trung một số lượng lớn thợ thủ công tài hoa, cùng với thuận lợi về giao thông thủy bộ kích thích các hoạt động giao thương buôn bán trao đổi hàng hóa phát triển tạo tiền đề hình thành và phát triển đô thị Nam Định sau này. Sự ra đời của hành cung Thiên Trường không chỉ làm thay đổi diện mạo của một vùng quê thanh bình ven sông Vĩnh mà còn đặt nền tảng cho sự ra đời của đô thị Vỵ Hoàng thế kỷ XVIII-XIX và đô thị Nam Định thời cận hiện đại. Các nhà nghiên cứu lịch sử ngày nay cũng khẳng định rằng việc xây dựng hành cung Thiên Trường với quy mô, vị thế về chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa còn thể hiện tầm nhìn chiến lược hướng biển của nhà Trần.
Gần 750 năm ra đời hành cung Thiên Trường đã đặt dấu mốc vị thế quan trọng về mọi mặt của Thiên Trường - Nam Định với Thăng Long - Hà Nội. Nhà Trần đã để lại cho con cháu muôn đời một di sản vô giá. Trong giai đoạn lịch sử hiện đại, Nam Định đã và đang khẳng định tiếp nối “tầm nhìn” đó trong phát triển kinh tế - xã hội. Vị trí, mối quan hệ giữa Nam Định và các tỉnh, thành phố trong vùng với Thủ đô Hà Nội trong sự phát triển chung của đất nước tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm ANQP vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Xây dựng đồng bằng sông Hồng trở thành trọng điểm kinh tế đồng bằng Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 109 về xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng Nam đồng bằng sông Hồng; ngày 24 tháng 01 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 05/2011/QĐ-TTg “Phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (trong đó có tỉnh Nam Định) với các mục tiêu và quan điểm phát triển giao thông vận tải với bước đột phá mạnh mẽ tạo tiền đề đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng, đáp ứng yêu cầu là vùng đi đầu trong công cuộc CNH-HĐH, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế, củng cố an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Phát triển giao thông vận tải trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng là vị trí trung tâm và cửa ngõ chiến lược về đường biển và đường hàng không; đảm bảo sự liên kết giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không và cảng biển; sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với vai trò là đầu mối giao thông với các tỉnh, thành phố trong vùng.
Theo Báo Nam Định

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét