Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

LƯU CHÍ HIẾU - NGƯỜI ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

(LUUTOC.VN) - Trích đăng những đoạn đề cập liên quan đến Anh hùng LLVTND Liệt sĩ Lưu Chí Hiếu người con dũng cảm, kiên cường của Đất nước và Lưu Tộc trong bài: "Lưu Chí Hiếu - người anh hùng trong nhà tù Côn Đảo" của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống viết về những người tù cách mạng ở Côn Đảo đăng trên báo QĐND ngày 26/3/2010.
(QĐND) - Ngày 23-02-2010 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 212/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 29 Liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và 156 Liệt sỹ thời kháng chiến chống Mỹ, trong đó có Liệt sỹ Lưu Chí Hiếu, nguyên cán bộ công vận Quận uỷ Quận I  Sài Gòn, nguyên cựu tù chính trị Côn Đảo.


1. Chuyện lớn và chuyện nhỏ

Lưu Chí Hiếu là người thứ 2 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trên mặt trận đấu tranh trong nhà tù. Ông hy sinh vô cùng anh dũng đêm 24-12-1961 tại Chuồng Cọp Côn Đảo, tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ông đã được tôn vinh là “những ngôi sao sáng nhất” trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết ở nhà tù Côn Đảo, được đánh giá là “hàng trăm lần anh hùng”. Vậy mà hành trình đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho ông phải trải qua 20 năm để tôn vinh, bắt đầu từ mùa xuân năm 1990…

Mùa hè năm 1989, trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, giáo sư sử học Trần Văn Giàu đã lặn lội đến nhiều tỉnh Nam bộ, tập hợp những nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu, vận động mọi người góp sức biên soạn đề tài “Bác Hồ với miền Nam – miền Nam với Bác Hồ”. Các tỉnh Nam bộ đều trọng danh vọng bác Sáu Giàu, nghe mỗi lời bác Sáu nói như một mệnh lệnh hành động từ trái tim. Bác Sáu có tài hùng biện, nói thấm tận lòng người:

Chuyện này lớn lắm. Mấy chú phải để tâm làm. Phải làm trong năm nay, để năm sau, có công trình dâng lên Bác.
Đừng có viết lý luận, chọn chuyện thật mà viết. Viết sao cho thật xúc động, cho mấy em, mấy cháu nó đọc, nó hiểu tấm lòng người dân Nam bộ với Bác Hồ.
Mấy chú  viết chuyện lớn, đừng quên chuyện nhỏ, viết về người lớn, đừng quên người nhỏ,… không có chuyện nhỏ thì không có chuyện lớn đâu.

Qua năm sau, bác Sáu trở lại Vũng Tàu, dự buổi nghiệm thu đề tài “Tù nhân Côn Đảo với Bác Hồ” do Đặc khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo chỉ đạo biên soạn. Bác Sáu đặc biệt đánh giá cao những tấm gương kiên cường đấu tranh chống ly khai cộng sản ở Chuồng Cọp Côn Đảo như Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc, Trần Trung Tín, Hoàng Sơn, Phan Trọng Bình, Nguyễn Đức Thuận, Phạm Quốc Sắc: “Đó là những người anh hùng thật sự, hàng trăm lần anh hùng. Mấy chú phải sưu tầm thêm, phải viết truyện về những bậc danh nhân ấy" *
Ý tưởng đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sỹ Lưu Chí Hiếu nhen nhóm từ buổi ấy.

* Biên bản hội nghị nghiệm thu đề tài “Tù nhân Côn Đảo với Bác Hồ”. Tài liệu lưu tại Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.

12 năm xét danh hiệu cho người anh hùng thứ 2

Trường hợp Cao Văn Ngọc được đưa vào diện xét phong khá thuận lợi vì chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quê hương ông, đơn vị ông từng công tác trước khi bị bắt lập hồ sơ, đề nghị truy tặng. Các trường hợp khác còn liên quan đến ý kiến của địa phương và đơn vị cũ về thời gian công tác trước khi bị bắt. Hồ sơ được chuyển về các địa phương, đơn vị nhưng không có hồi âm. Nhiều đơn vị cũ đã bị giải thể. Nhiều người công tác cùng thời đã hy sinh. Những người đương thời có trách nhiệm xem xét thì không biết và không quan tâm chỉ đạo. Mọi việc lại rơi vào bế tắc.
 
Di ảnh Anh hùng LLVTND Liệt sĩ LƯU CHÍ HIẾU
(do Lưu Hồng Phong sưu tầm)

Tổ công tác quyết định đột phá trường hợp Lưu Chí Hiếu. Thời ấy, lực lượng tù chính trị Côn Đảo đã tôn vinh những tấm gương đấu tranh bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng thành “NHỮNG NGÔI SAO SÁNG”, trong đó Cao Văn Ngọc và Lưu Chí Hiếu được tôn vinh là “NHỮNG NGÔI SAO SÁNG NHẤT”. Có một chút khác biệt: Cao Văn Ngọc là nông dân, Lưu Chí Hiếu là công nhân; Cao Văn Ngọc là cán bộ Nông hội, Lưu Chí Hiếu là cán bộ Công vận, đảng viên; cùng được xếp vào hàng “NGÔI SAO SÁNG NHẤT” nhưng Cao Văn Ngọc được nhận danh hiệu Anh hùng, Lưu Chí Hiếu thì chưa có “chính danh” đề nghị.


Lưu Chí Hiếu quê ở thôn Hương Cát, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, lưu lạc ra Hải Phòng làm thợ, lên Hà Nội, rồi vào Sài Gòn từ trước năm 1945, tham gia Thanh niên Tiền Phong, Ban công tác Thành (Sài Gòn – Gia Định), Tiểu đoàn Quyết tử, Quận ủy Quận 2, sau sáp nhập vào Quận I. Hầu hết các đơn vị ông tham gia đều đã giải thể. Đơn vị cuối cùng là Quận ủy Quận I thì sáp nhập trên giấy tờ, còn cán bộ thì hoạt động bí mật, không dễ gì biết nhau. Lưu Chí Hiếu trình độ văn hóa chưa hết bậc tiểu học, chức vụ tương đương tiểu đội trưởng, cán bộ công vận được phân công phụ trách một địa bàn hẹp, rồi bị bắt, bị tù, một cán bộ bình thường, ít ai biết đến. Chỉ đến khi rơi vào một cảnh ngộ thật là đặc biệt, chân trong còng, tay trong xiềng, đối đầu với bộ máy tàn bạo nhất thì phẩm chất anh hùng của Lưu Chí Hiếu mới bộc lộ vượt trội, được tôn vinh vào hàng “NGÔI SAO SÁNG NHẤT”.

Ông Phan Trọng Bình, một trong NĂM NGÔI SAO SÁNG, vẹn toàn khí tiết, toàn thắng trở về đã nói với các bạn tù, khi chỉ còn lại 7 người trong đội ngũ chống ly khai cộng sản ở Chuồng Cọp Côn Đảo rằng: "nếu chúng ta có tiếp tục cuộc chiến đấu này được vài tháng hay vài năm nữa mới hy sinh thì Lưu Chí Hiếu vẫn là số một”. [1]

 Giáo sư sử học Trần Văn Giàu đã nhận xét về Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc, về Phan Trọng Bình và những người kiên cường đấu tranh chống li khai ở Chuồng Cọp Côn Đảo: "Đó là những người anh hùng thật sự, hàng trăm lần anh hùng".[2] Giáo sư đã trang trọng đưa tên Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc, Phan Trọng Bình và những mẩu chuyện về cuộc đấu tranh chống ly khai ở Chuồng Cọp Côn Đảo vào chương sách mang tên Vàng trong lửa. Tên ấy còn được sử dụng làm tên chung cho cuốn sách Vàng trong lửa, chương trình đề tài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam Tổ quốc" mà giáo sư là chủ nhiệm đề tài.

          Sau này, nhận lời viết đề tựa cho tập sách “nhà tù Côn Đảo 1955-1975”, giáo sư sử Trần Văn Giàu đã dành sự đánh giá trân trọng từ đáy lòng của một người tù chính trị lớp trước: “Tôi khâm phục người thợ giày Lưu Chí Hiếu, lưu lạc từ Nam Định ra Hà Nội, vào Sài Gòn, tham gia khởi nghĩa và kháng chiến, chức vụ chỉ tương đương tiểu đội trưởng, nhưng lại thể hiện xuất sắc bản lĩnh người cộng sản, quyết tử chống li khai trong lần quyết định vận mệnh của cuộc chiến đấu vào lúc hiểm nghèo. tên anh đã trở thành một ngọn cờ của tù nhân chính trị toàn đảo. Đó là thứ “Vàng trong lửa”, đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nhân cách Việt Nam, của khí tiết cộng sản. Mong rằng các vị anh hùng ở nhà tù Côn Đảo được ca tụng xứng đáng nhất bằng những tập sách gối đầu giường cho thanh niên, được biểu dương xứng đáng nhất bằng những pho tượng đặt ở quê hương và ở các nhà trường[3].

Về mặt khoa học việc tôn vinh các ngôi sao Cao Văn Ngọc và Lưu Chí Hiếu đã đạt mức thỏa đáng, nhưng về mặt danh hiệu, Lưu Chí Hiếu chưa được chính danh Nhà nước tuyên phong, mặc dù, ông không còn bận tâm về danh hiệu. Danh hiệu giờ đây chỉ là thái độ của người còn sống với người đã khuất, của người được hưởng độc lập tự do với người đã hy sinh cuộc đời mình cho độc lập tự do của dân tộc.

Vào lúc không còn hy vọng tín hiệu từ Quận ủy Quận I và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thì Huyện ủy Côn Đảo đã đứng ra lãnh nhận trách nhiệm, đứng tên đề nghị Đảng và Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lưu Chí Hiếu.

Có một lý do chính đáng mà các cơ quan có trách nhiệm xét duyệt ghi nhận là cả một thế hệ tù chính trị Côn Đảo thời chống Mỹ đã noi gương Lưu Chí Hiếu mà tranh đấu, đã thành lập Đảng bộ nhà tù mang tên ông, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã tham gia chỉ đạo cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo, là hạt nhân hình thành Đảo ủy lâm thời trong đêm nổi dậy, là tiền thân của Đảng bộ huyện Côn Đảo ngày nay[4].

Cuộc đột phá ngoạn mục lần này kéo dài tới … 12 năm, gấp 2 lần hành trình đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Cao Văn Ngọc. Nhưng cuộc đột phá lần này lại mở ra một nhận thức mới: nhận thức của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đảng bộ và nhân dân huyện Côn Đảo, nhận thức rằng phẩm chất anh hùng của Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc và của các thế hệ tù chính trị đã tích hợp thành hồn thiêng Côn Đảo – một tài sản vô giá mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đảng bộ và nhân dân huyện Côn Đảo đang kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng đất thiêng có một không hai này. Và một triển vọng lại mở ra: rất nhiều người anh hùng bị lãng quên như Trần Trung Tín, Hoàng Sơn, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một,… sẽ được xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ tờ trình, đề nghị của Đảng bộ, chính quyền huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong những ngày không xa.
 

[1] Vàng trong Lửa, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2009, tr 425
[2] Tài liệu luu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy  Bà Rịa - Vũng Tàu.
[3] Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862-1975, Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2009, tr. 13-14.
[4] Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo đã  trọng thể lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước ta vừa truy tặng cho liệt sĩ Lưu Chí Hiếu vào ngày 27-4-2010.

Theo TS NGUYỄN ĐÌNH THỐNG (Báo QĐND)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét