Dâng hương hay còn gọi là niệm hương,
thắp hương còn là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa, tín ngưỡng dân gian
của người phương Đông nói chung cũng như của người Việt nói riêng. Nghi thức
dâng hương xuất hiện từ rất sớm và đã trở thành một nghi lễ quan trọng không
thể thiếu trong các lễ hội truyền thống cũng như trong tập quán thờ cúng Tổ
tiên của mỗi gia đình Việt Nam. Nén hương như cầu nối thiêng liêng giữa cuộc
sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất và các vị Thánh Thần, Tổ tiên.
Việc thắp hương trên ban thờ Tổ tiên
hay ban thờ Thần Linh, Thổ Địa trong gia đình hay trong đình, đền, chùa, miếu,
những nơi tôn nghiêm là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong
các ngày sóc, vọng, giỗ chạp hay lễ Tết. Trong các vật phẩm cúng Tổ tiên, Thần
Linh nhất thiết phải có nén hương thơm. Nén hương được thắp lên khiến mọi người
đều cảm thấy ấm lòng. Nén hương lúc này không còn là thứ hàng hoá bình thường,
mà đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu trong mỗi gia đình người
dân Việt Nam. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần
tạo nên và bảo tồn những bản sắc của giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đứng về mặt ý nghĩa, thắp hương là
một biểu hiện mong muốn tiếp xúc với các các Chư Phật, với đấng Thần linh, Tổ
tiên. Vào thời nguyên thuỷ, khi con người chưa thể giải thích những hiện tượng
siêu nhiên trong thế giới quan dẫn đến việc Thần thánh hóa các hiện tượng tự
nhiên đó và gắn với mỗi hiện tượng siêu nhiên là một vị Thần. Con người cũng
sớm định vị các vị Thần là các đấng tối cao, ở cõi trên và cho rằng Thần Linh
đã trực tiếp chi phối tới nhiều mặt đời sống của chính mình. Chính vị vậy con
người đã tìm cách giao tiếp với Thần Linh. Không một cách nào có thể giúp con
người bay lên cao. Chỉ tới khi tìm thấy lửa, dần dần con người nhận thấy, khi
đốt lửa, thì bao giờ khói cũng bay lên. Từ đó, con người đã biết sử dụng lửa để
giao tiếp với các vị Thần.
Việc dùng hương để giao tiếp với Thần
Linh có từ đời nào đến nay cũng thật khó xác định, chỉ có thể khẳng định rằng
hình thức đốt hương đã có từ rất sớm. Ngày nay tại các bức họa được phát hiện
trong các kim tự tháp Ai Cập cổ, người ta đã thấy những hình ảnh diễn đạt việc
đốt hương. Việc đốt hương được phổ biến ở Ấn Độ, Trung Quốc sau đó truyền sang
các nước khác ở khu vực Đông Á vào khoảng đầu Công nguyên.
Người ta đã sáng tạo ra nhiều loại
hương khác nhau, theo ba hình thức chủ yếu sau: Hương nén là loại hương dùng
mạt gỗ nghiền nhỏ se vào những que tre vót nhỏ theo độ dài nhất định; hương
vòng là loại hương không dùng lõi, thường có hình nón; hương miếng là loại
hương đốt trực tiếp những mẩu gỗ tỏa ra mùi hương thơm. Hương miếng thường dùng
gỗ trầm là loại gỗ quý, khi đốt có mùi thơm dễ chịu. Theo quan niệm dân gian,
người ta thường dùng số nén hương lẻ (1, 3, 5, 7, 9) để thắp hương. Số lẻ tượng
trưng cho sự đông đúc, sinh sôi, phát triển đề huề. Và những số lẻ 3,5,7,9 cũng
là những con số có nhiều ý nghĩa trong quan điểm và trong cuộc sống của người
phương Đông.
Nén hương thắp lên vừa đạt được ý nguyện
tâm linh, dâng mùi thơm và chuyển lời cầu khẩn lên các vị Thần, vừa để biểu
hiện cái tâm của mỗi con người. Vì thế người Việt sẽ rất áy náy khi đi lễ mà
không có hương, đèn. Tuy nhiên, trong cách dâng hương, người ta chú trọng cách
thức sao cho biểu hiện được tâm nguyện là chính, vì vậy khi dâng hương cần
thành tâm, nghiêm cẩn, ăn mặc nghiêm trang, thái độ cung kính. Người Việt tránh
việc thắp cả bó hương rồi cắm lên ban thờ, vì khói hương xông ngột ngạt thường
gắn với sự ô trọc, thất kính, không ăn mặc luộm thuộm, nhếch nhác khi làm lễ
dâng hương. Nên cắm từng nén hương với hai tay và cắm cho ngay thẳng, tượng
trưng cho tấm lòng ngay thẳng, không hề dời đổi. Từ người chủ các cuộc lễ lớn
của thôn làng, thường là các bậc cao niên đức cao vọng trọng trong làng, đến
những người chủ trong gia đình, thường là người đàn ông trụ cột trong gia đình,
khi dâng hương lên Thần Linh, Tổ tiên đều phải giữ thái độ khiêm cung, kính
cẩn. Việc lựa chọn người dâng hương trong các cuộc lễ đều được tiến hành rất
cẩn trọng, nếu không sẽ bị Thánh Thần quở phạt. Và đây cũng là một vinh dự cho
người được lựa chọn để tiến hành nghi thức dâng hương trong các nghi lễ của hội
làng.
Ở nhiều vùng quê Việt Nam, người ta
vẫn duy trì tục lệ thắp hương tại những gốc cây cổ thụ hay góc nhà với quan
niệm mọi vật đều có đời sống tâm linh của nó, việc thắp hương vừa là để Thần Thánh
độ trì cho người dân được mưa thuận gió hòa, vụ mùa tươi tốt, vừa là để vong
linh tiếp nhận mùi hương để hiển linh phù trợ người dân những lúc gặp khó khăn,
bế tắc. Việc thắp hương ở những điểm trên cũng trang nghiêm, kính cẩn như khi
dâng hương tại các đền đài, miếu mạo vậy.
Trong tôn giáo, cũng giống như trong
tín ngưỡng dân gian, dâng hương là một nghi lễ quan trọng và hầu như các tôn
giáo đều có hình thức dâng hương trong các buổi lễ dưới các hình thức khác
nhau. Đặc biệt, trong đạo Phật, dâng hương là một nghi lễ không thể thiếu trong
các sinh hoạt cũng những lễ hội Phật giáo. Các nghi thức dâng hương và tụng
niệm bao giờ cũng được thể hiện trước tiên vào giờ phút trang trọng và linh
thiêng nhất của buổi lễ.
Trong Phật giáo, hương là một trong
sáu lễ vật dâng cúng gọi là lục cúng, gồm có hương – hoa – đăng – trà – quả –
thực. Theo quan niệm của Phật giáo, lòng thành thể hiện qua làn khói hương nghi
ngút, và những phẩm vật có sẵn trong tự nhiên không cần yến tiệc, mâm cao cỗ
đầy… vì đúng ý nghĩa sự cúng Phật thì chỉ nên dùng hương thơm, đèn sáng, hoa
tươi, trái tốt là đủ.
Do quan niệm Phật tại tâm mà Phật
giáo đề cao sự thành tâm của mỗi tín đồ. Lễ phẩm dâng cúng Phật phải thanh
tịnh, trong đó có nén hương hình thức để thể hiện tâm của người phật tử, quan
trọng hơn là tấm lòng thành kính, từ bi dâng lên Đức Phật, đó gọi là tâm hương.
Những người đạt được tâm hương đó là những người đạt đến mức độ của sự tu tập
và giải thoát, bởi vậy có 5 loại tâm hương là: Giới hương: do giữ được giới
(những điều quy định) mà thơm; Định hương: do sự thiền định (tâm không tán loạn
thoát khỏi sự ràng buộc của trần thế) mà thơm; Tuệ hương: do từ trí tuệ (sáng
suốt, thông hiểu sự và lý, dứt mê lầm) mà thơm; Giải thoát hương: do từ mình
biết thoát khỏi mọi khổ đau mà thơm; Tri kiến hương: do tự biết mình đạt đến sự
giác ngộ mà thơm.
Trong các nghi lễ quan trọng của Phật
giáo, nghi thức dâng hương luôn được coi trọng và có một vai trò đặc biệt.
Ngoài ý nghĩa của việc hiệp linh chư Thần và Đức Phật, nén hương của người Phật
tử dâng lên còn chứa đựng cả tấm lòng hướng thiện và từ bi. Trong khói hương
lan tỏa cùng với tiếng tụng kinh trầm bổng, lòng người như được hướng về, cảm
giác được sự ấm cúng và gần gũi, gắn bó nhau hơn.
Không chỉ Phật giáo, mà cả các tôn
giáo khác như Kitô giáo cũng dùng hương trong các ngày lễ của mình. Người Kitô
giáo xông hương trong các thánh lễ, trước bàn thờ, trước cuốn Kinh Thánh, mình
Thánh, rượu Thánh… Thời xưa có những loại hương trầm còn giá trị hơn cả vàng
bạc châu báu. Đó là vì người Kitô giáo tin rằng những loài cỏ cây thơm là do Chư
Thiên ban tặng từ trên cao và đã thấm nhuần hương thơm của Đức Chúa Trời. Những
tôn giáo như Ấn giáo thì lại dùng hương để thư giãn và tập trung hơi thở lúc
ngồi Thiền. Trong khi đó, theo đạo Nho thì khói hương còn tượng trưng cho bậc
trượng phu, quân tử chỉ bay lên chứ không bao giờ lặn xuống.
Một số tôn giáo nội sinh ở Việt Nam
như Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương trong các nghi lễ của mình cũng rất đơn
giản. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thờ Phật qua biểu tượng là bức trần dà. Lễ vật
chỉ cần hương, hoa và nước sạch là đủ. Với những người theo Phật giáo Hòa Hảo,
ban thờ Tổ tiên và ban thờ Thông Thiên ngoài trời cũng chỉ cần dùng ba thứ phẩm
vật trên. Phẩm vật đơn sơ nhưng nghi thức trang nghiêm cũng đủ để chuyên chở
những giá trị tinh thần lớn lao và niềm tin vào đạo pháp.
Trải qua không gian và thời gian,
nghi thức dâng hương lên Thần Linh, Tổ tiên trong các dịp lễ hội, giỗ, Tết vẫn
được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nén hương đã trở thành mộtsản phẩm
tinh thần trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Mỗi nén hương được thắp lên đã
truyền tải những giá trị văn hóa và đạo đức từ bao đời, cùng với những phong
tục cổ truyền khác, đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân
tộc Việt Nam.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét