Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

VÙNG ĐẤT NAM ĐỊNH - VIỆT NAM


Lịch sử hình thành 


Nam Định nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Nam Định có diện tích tự nhiên 1641,3 km2, bằng khoảng 0,5% diện tích cả nước. Tỉnh Nam Định phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía tây giáp Ninh Bình, phía nam và đông nam giáp biển Đông, phía bắc giáp tỉnh Hà Nam.


Là mảnh đất nằm giữa hai con sông lớn: sông Hồng và sông Đáy tạo nên địa giới tự nhiên giữa Nam Định với hai tỉnh Thái Bình, Ninh Bình. Sông Đào phân chia Nam Định thành hai vùng Nam - Bắc. Sông Ninh Cơ, sông Sò là giới hạn các huyện trong tỉnh. Nam Định có bờ biển dài 72 km, vùng kinh tế giàu tiềm năng.

Theo các công trình nghiên cứu khoa học, miền đất Nam Định hình thành cách đây khoảng 70 triệu năm do ảnh hưởng tạo sơn thời kỳ Đại Tân Sinh, nâng ghềnh phía nam sông Hồng cao lên, biển Đông lùi dần và từng bước hình thành vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Dấu tích các loại động - thực vật có ở vùng biển và những hoá thạch tìm thấy trong lòng đất cho thấy: đây là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, tạo cơ hội cho con người quần tụ thành cộng đồng đông vui và khá sầm uất.

 Tháp chùa Cổ Lễ

Mảnh đất Nam Định được chia thành hai vùng tự nhiên. Phía tây bắc trước đây là những ô trũng thường bị ngập úng quanh năm và có một số đồi núi đứng chơ vơ: núi Gôi (Côi Sơn), núi Ngăm (Trang Nghiêm), núi Nề (Thanh Nê), núi Hồ (Hồ Sơn), núi Tiên Hương, núi Phương Nhi, núi Ngô Xá, núi Mai Sơn thuộc hai huyện Vụ Bản, ý Yên. Đồi núi của Nam Định không cao và có dòng chảy của khe ngòi liền kề tạo nên cảnh non nước hữu tình. Non Côi - sông Vị là biểu tượng của Nam Định được cả nước biết đến. Phía nam tỉnh được phù sa sông Hồng, sông Đáy bồi đắp nên miền đất này tương đối bằng phẳng, phì nhiêu.

Song để làm nên vùng non nước hữu tình, mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ người dân đã đổ xuống nơi đây để quai đê, ngăn mặn, khai phá sông ngòi, đào ao, vượt thổ tạo nên vùng đồng quê trù phú. Từ xa xưa, người nguyên thuỷ từ trên miền núi cao đã di cư xuống vùng đồng bằng do biển lùi dần về phía nam. Các dấu vết con người ở đây được xác định thuộc hậu thời kỳ đồ đá mới hoặc sơ kỳ thời đồ đồng cách đây chừng 5.000 năm. Công cuộc di cư và những tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối,... đã tạo nên làng, ấp. Dần dà, dân cư đến quần tụ tại vùng đất này ngày một đông, góp phần hình thành cộng đồng cư dân có chung mục đích, đoàn kết, hợp sức đấu tranh với thiên nhiên. Vì thế, cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên của người dân nơi đây là bản anh hùng ca của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, làm phong phú thêm nét đẹp truyền thống văn hoá làng, xã, tuy bình dị nhưng giàu tính nhân văn và liên tục phát triển. 


Những thay đổi về tên gọi và địa giới


Thời thuộc Nhà Đường, Nam Định thuộc huyện Chu Duyên. Đời Nhà Trần được gọi là lộ Thiên Trường, sau lại chia làm ba lộ: Kiến Xương, An Tiêm, Hoàng Giang. Thời thuộc Nhà Minh, vùng đất này được chia làm 3 phủ: Trấn Nam, Phụng Hoá, Kiến Bình. Đời Lê, thuộc xứ Sơn Nam, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 năm 1741, vùng đất này thuộc lộ Sơn Nam Hạ. Đến triều Nguyễn, năm 1832 đổi tên thành tỉnh Nam Định, với 4 phủ, 18 huyện, bao gồm phần đất tỉnh Thái Bình hiện nay. Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng. Nam Định còn lại 2 phủ và 9 huyện.

Từ năm 1926, tỉnh Nam Định có 2 phủ và 7 huyện, 78 tổng, 708 xã (phủ là cấp trung gian, tương đương với cấp huyện). Riêng thành phố Nam Định có 10 phường. Đến những năm 1930, địa giới hành chính của tỉnh Nam Định không có nhiều thay đổi.

Sau năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh luôn có sự thay đổi. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Nam Định thuộc Liên khu ba. Năm 1953, 7 xã bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được cắt nhập vào huyện ý Yên. Đồng thời, 03 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, ý Yên nhập vào tỉnh Hà Nam. Đến tháng 4-1956, 03 huyện này lại được cắt trả cho Nam Định. Tháng 5-1965, Nam Định hợp nhất với Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Cuối năm 1967, 02 huyện Giao Thuỷ và Xuân Trường hợp thành huyện Xuân Thuỷ. Tháng 3-1968, 07 xã phía nam sông Ninh Cơ thuộc huyện Trực Ninh nhập với huyện Hải Hậu, 02 huyện Trực Ninh, Nam Trực nhập thành huyện Nam Ninh. Năm 1976, Nam Hà và Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1991, lại chia tách và tái lập tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Tháng 11-1996, tách tỉnh Nam Hà để tái lập 02 tỉnh Nam Định và Hà Nam. Sau đó, trong nội bộ tỉnh Nam Định, các huyện hợp nhất trước đây lại chia tách và tái lập như cũ, đó là: Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nam Trực và tái lập huyện Mỹ Lộc (gồm 10 xã). Năm 1997, xã Nam Vân, Nam Phong được cắt nhập từ huyện Nam Trực về thành phố Nam Định. Như vậy, đến cuối thế kỷ XX, tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính, bao gồm: 1 thành phố và 9 huyện, 225 xã, phường, thị trấn.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét