Dòng họ là một hiện tượng lịch
sử - văn hóa mang tính phổ quát, xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhân loại và
tồn tại ở mọi nền văn hóa. Trên thế giới, đã từ lâu, dòng họ trở thành đối
tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học với các phân nhánh chuyên sâu: sử
học, triết học, di truyền học, nhân chủng học, dân tộc học, xã hội học, gia phả
học…
Như vậy, dòng họ
người Việt là: “Người Việt cho dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng thuộc về một họ,
tức gia đình theo nghĩa rộng, tổ chức vững chắc, liên kết chặt chẽ bằng huyết
thống, bằng những quyền lợi vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng các
mối dây luân lý của cộng đồng”- Léopol Cadière. Trong môi trường của những mối
quan hệ đặc thù này, dòng họ người Việt dần hình thành và xác định bản sắc văn
hóa độc đáo: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội hay còn gọi
là văn hóa tổ chức cộng đồng.
Những giá trị văn hóa vật chất
độc đáo của dòng họ người Việt được thể hiện trên nhiều phương diện. Đến tận
hôm nay, tuy có nhiều biến đổi bởi quá trình đô thị hóa nhưng nhiều từ đường
của các dòng tộc trên cả nước vẫn còn lưu giữ được nhiều nhất những giá trị văn
hóa của kiến trúc Việt cổ. Từ đường người Việt thường được xây dựng dựa trên
nguyên tắc của triết thuyết âm dương ngũ hành- một trong những học thuyết được
hình thành ở nền văn hóa Nam Á. Hướng của từ đường chủ yếu hướng Nam – hướng cư
trú phổ biến của người Việt cổ từ thời văn hóa Hòa Bình. Từ đường của nhiều
dòng họ còn có bảo vật như đại tự, câu đối, sắc phong, bài vị, tượng thờ, tế
khí…Một trong những bảo vật được coi là đặc biệt quan trọng của dòng họ là Gia
phả. Ở Việt Nam, cuốn gia phả sớm nhất xuất hiện dưới thời Lý. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1206 vua Lý Thái Tổ
“xuống chiếu làm ngọc điệp (phả hệ nhà vua). Việc làm gia aphả phát tích từ
hoàng tộc, phát triển ở các tầng lớp quan nha và cuối cùng lan rộng đến các họ
tộc dân gian. Tuy nhiên, một giá trị văn hóa vật chất rất tiêu biểu của
dòng họ người Việt: Mộ Tổ.
Đối với mỗi người
dân Việt, Mộ Tổ là một trong những bảo vật có giá trị quan trọng hàng đầu. Dù
đó là dòng họ đơn đinh hay đa đinh, phú quý hay bần hàn, quan chức hay bình
dân…thì phần Mộ Tổ đời nào cũng được chú tâm chăm sóc nghiêm cẩn, quanh năm
sạch sẽ, đẹp đẽ, lễ tiết đỏ đèn. Đối với người Việt, việc kiến thiết lăng mộ,
nhất là Mộ Tổ quan trọng đến mức dưới thời phong kiến, các triều đại Trần, Lê,
Nguyễn…đều ban hành những qui định xây dựng nếu “Ai cậy giàu có, khéo tay xây
vượt bậc điển lễ đã ban hành đều bị phạt nặng và triệt phá”. Những năm gần đây,
trong không khí phục hưng dòng họ, các dòng tộc từ Bắc vào Nam ra sức tầm
nguyên Thủy Tổ, tôn tạo từ đường, riêng phần Mộ Tổ được quan tâm đặc biệt. Mộ Tổ
được khôi nguyên, phục dựng với quy mô khang trang, bề thế.
Dù ở đâu và bất cứ khi nào, các thế hệ người Việt
đều gắng sức giữ gìn sự bình yên và kiến thiết dựng xây để Tổ Tiên có được “mồ
yên, mả đẹp”. Để giữ cho “mồ yên”, ngay sau khi Thủy Tổ mới qua đời, người Việt
đã đặc biệt quan tâm tới việc lựa chọn huyệt đất sao cho thuận phong thủy, quy
tụ được linh khí của trời đất để an táng Thủy Tổ. Sau khi đã chọn thế đất
thiêng để an táng Thủy Tổ, đời đời con cháu các thế hệ nối tiếp có trách nhiệm
trao truyền nhau nghĩa vụ chăm sóc phần Mộ Tổ. Họ ra sức giữ gìn và ngăn ngừa
mọi nguy biến có thể gây chấn động tới phần mộ của Thủy Tổ. Thành ngữ dân gian
“Giữ như giữ mả tổ” phản ánh rất rõ điều này. Để làm cho “mả đẹp”, bất cứ khi
nào có điều kiện, một trong những điều
quan tâm đầu tiên của các dòng tộc là sửa sang để kiến thiết Tộ Tổ với quy mô
khang trang, bề thế hơn. Làm tất cả những gì có thể để Tổ Tiên có được “mồ yên,
mả đẹp” bởi người Việt quan niệm: “Sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm”.
Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao đối với người Việt, mồ mả Tổ Tiên nhất là phần
mộ Thủy Tổ của dòng tộc lại quan trọng tới mức trở thành tác nhân quyết định
tới sự hưng suy, sống còn của cuộc sống con người? Thực ra quan niệm “Sống về
mồ về mả ai sống về cả bát cơm” trên đây vốn bắt nguồn từ một nhận thức luận về
vũ trụ quan, nhân sinh quan của người Việt cổ được hình thành từ thời Đồ đá
mới.
Với người Việt
cổ, chết không phải là sự kết thúc cuối cùng của một kiếp người. Chết là quá
trình chuyển dịch sự sống từ thế giới bên này có thực sang thế giới bên kia
trong tâm thức. Vì nhận thức có một cuộc sống vẫn đang tiếp tục diễn ra ở thế
giới bên kia nên người Việt cổ chôn cất người chết với mong muốn mồ yên mả đẹp,
họ sẽ bình an đến được và tiếp tục sống một cuộc sống mới ở thế giới bên
kia.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vậy
người đã chết không chỉ đang sống ở thế giới khác - thế giới bên kia trong tâm
tưởng - mà còn có mối liên hệ, tương tác nào không với thế giới thực tại mà con
người đang sống? Ở điểm này, chúng tôi bày tỏ sự tán đồng với ý kiến của Trương
Hữu Quýnh khi nhận xét về các dạng táng thức của cư dân Phùng Nguyên: “Họ cũng
thể hiện ý niệm về mối quan hệ giữa người đang sống và người đã chết”(25).
Nhận thức rằng tuy người đã chết nhưng vẫn sống ở một thế giới khác và tiếp tục
làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của con người chính là nguyên nhân quan
trọng khiến cư dân thuộc nền văn hóa Đá mới đã chôn người chết - có lẽ là một tội nhân của cộng đồng - trong một tư thế lạ: buộc chặt chân tay với
mong nguyện người này chết rồi sẽ không có cơ hội trở về làm hại những người
đang sống. Nhận thức luận về một sự sống mới đang tiếp diễn ở thế giới bên kia
và niềm tin vào sức mạnh siêu linh của những người đã chết có thể tác động,
thậm chí đảo ngược quá trình sinh, trụ, dị, diệt của những người đang sống
chính là nguyên nhân sâu sa thôi thúc cư dân Việt cổ thực hiện những hành vi
mang tính chất thiêng hóa đối với những người đã chết. Sự phát triển của những
hành vi này dần trở thành một hệ thống nghi lễ trong việc thờ cúng những người
đã chết - tiền thân của tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên của người Việt. Một trong
những nghi thức sơ khai, đặc biệt quan trọng thể hiện niềm sùng kính của người
sống với người đã chết là chăm sóc huyệt mộ. Đây chính là lý do khiến các loại
hình huyệt mộ phát triển ngày càng đa dạng từ thời văn hóa Đá mới đến thời văn
hóa Đông Sơn. Trải qua bao cơn sóng bão của sự giao thoa văn hóa toàn cầu, đến
tận hôm nay, người Việt vẫn bảo lưu nghi thức cổ với sự chăm chút đặc biệt phần
Mộ Tổ của dòng tộc trong quá trình thực hiện nghi lễ thờ cúng Tổ Tiên “Việc thờ
cúng định kỳ hàng năm và việc sửa sang phần mộ là nhiệm vụ của cả cộng đồng
cùng huyết thống …”.
Giữ nguyên nhận thức luận về
một thế giới bên kia và niềm tin thiêng liêng vào sức mạnh siêu linh của những
người đã chết, trong quan niệm dân gian của người Việt, sự hưng, suy của con
cháu dòng tộc phụ thuộc rất lớn vào phần Mộ Tổ Tiên nhất là phần mộ của Thủy Tổ
dòng tộc. Nếu phần mộ của Thủy Tổ bình yên thì con cháu sẽ được khai tâm, phát
phúc, đời đời hưng thịnh, kiếp kiếp an hưởng phú quý vinh hoa. Nếu phần mộ Thủy
Tổ “động” thì con cháu sẽ lụi bại, gia cảnh khánh kiệt, dòng tộc suy vong. Như vậy,
với người Việt, mồ mả của Tổ Tiên dòng tộc giữ vai trò quyết định tới sự hưng,
suy của các thế hệ con cháu sau này.
Từ quan niệm dân gian về vai
trò của Mộ Tổ như trên, ta nhận thấy, đến tận hôm nay, người Việt vẫn giữ vững
niềm tin thiêng liêng để thực hiện một trong những tín ngưỡng thờ cúng cổ xưa
nhất: thờ cúng Tổ Tiên dòng tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên dòng tộc này vốn
manh nha xuất hiện từ thời thị tộc Nguyên Thủy. Thị tộc là những nhóm người cùng huyết thống – một dạng thức ban
đầu của dòng họ - đã có ý niệm về Tổ Tiên và thực hiện những hành vi tín ngưỡng
thờ cúng Tổ Tiên. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên của dòng tộc vốn manh nha hình
thành từ thời Công xã thị tộc. Do đó có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên của
dòng tộc đã có dấu hiệu xuất hiện trước tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên trong gia
đình. Bởi lẽ, chỉ sau khi Công xã thị tộc tan rã, Công xã nông thôn được xác
lập thì từ đây, những gia đình nhỏ chính thức ra đời và việc thờ cúng Tổ Tiên trong
những gia đình đó mới xuất hiện. Chính vì xuất hiện sớm, trước cả tín ngưỡng
thờ cúng Tổ Tiên trong từng gia đình nên từ lâu người Việt đã hình thành và bảo
lưu một niềm tin thiêng liêng vào sức mạnh siêu nhiên của Thủy Tổ dòng họ. Vì
giữ nguyên niềm tin tín ngưỡng đó nên đến tận hôm nay, người Việt vẫn lý giải
sự thành bại, hưng suy của cháu con dòng tộc đều do Thủy Tổ dòng họ phù trì hay
trừng phạt. Sự phù trợ hay trừng phạt đó luôn gắn liền với phần mộ của Tổ Tiên bình
yên hay chấn động. Như vậy, dưới góc nhìn văn hóa học và cũng chỉ xét riêng từ
yếu tố văn hóa vật chất là Mộ Tổ của dòng tộc, ta thấy bản sắc văn hóa Việt rất
rõ.
Trải qua quá trình hình thành,
phát triển lâu dài, dòng họ người Việt đã tạo dựng nhiều giá trị văn hóa tinh
thần độc đáo. Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ họ hàng luôn được đề
cao: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Sống với các mối quan hệ họ hàng, người
Việt luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, cưu mang, đùm
bọc, che chở nội tộc: “ Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì”; “Nó lú nhưng chú nó
khôn”, … Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu sâu hai giá trị
văn hóa tinh thần nổi bật của dòng họ người Việt: ý thức tìm về tổ quán của các
dòng tộc và truyền thống riêng biệt của mỗi dòng họ.
Một trong những giá trị văn hóa
tinh thần tiêu biểu hàng đầu của dòng họ người Việt là ý thức tìm về cội nguồn, tổ quán. Dù ở đâu và bất cứ khi nào
thì ý thức về Tổ Tiên trước hết là Tổ Tiên dòng tộc vẫn là một trong những ý
thức sâu sắc nhất, ăn vào tâm trí, ngấm trong máu thịt mỗi người dân Việt. Ý
thức này được thể hiện rất rõ trong thờ cúng Tổ Tiên dòng tộc. Hầu hết các dòng họ người Việt đều thờ cúng
Tổ Tiên dòng tộc. Người tộc trưởng được ký thác nhiệm vụ thiêng liêng thay mặt
con cháu chăm sóc từ đường, sớm tối đỏ đèn, quanh năm nhang khói. Đều đặn vào
các ngày sóc vọng, lễ tiết, giỗ chạp…tộc trưởng nhất tâm dâng cúng lễ vật, kính
cẩn cầu mong anh linh tiên tổ chứng giám, phù trì cho cháu con dòng tộc. Đặc
biệt là ngày Giỗ Tổ - ngày hóa của Thủy Tổ. Ngày giỗ tổ được tổ chức trang
trọng. Nhiều dòng tộc thực hành nghi thức tế lễ rất qui mô. Trong ngày này, con
cháu của các chi, phái, ngành, nhánh, cành….nếu không tề tựu được đông đủ thì
nhất thiết phải cắt cử nhân đinh về dự lễ tại từ đường, thắp nén tâm nhang, một
lòng hướng về tổ quán. Ngay cả những người dân Việt vì nhiều lý do phải xa Tổ
quốc, định cư sinh sống tại khắp các châu lục nhưng ý thức về tổ gốc không hề
phai nhạt. Tiêu biểu là dòng họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc. Không chỉ xây dựng một
Trung hiếu đường tại Bong-hwa trên đất Hàn để sớm tối khói hương mà hàng chục năm qua,
vào ngày 15 tháng Ba, con cháu dòng họ Lý vẫn trở lại cố hương, tề tựu tại Đền
Đô một lòng thắp nén tâm nhang mong liệt tổ, liệt tông ấm lòng. Hiện nay, ý
thức tầm nguyên Thủy Tổ có xu hướng trỗi dậy. Nhiều dòng tộc trên khắp mọi miền
Tổ quốc đang ra sức hợp nhất chi phái, ghép nối Phả hệ, truy nguyên Thủy Tổ.
Gác lại việc bàn
luận đúng sai trong việc truy nguyên Thủy Tổ ta thấy rõ ràng người Việt đời nào
cũng vậy rất khát khao tìm về cội gốc của mình.
Vậy tại sao đối với người Việt, ý thức tìm về tổ quán lại luôn
thường trực và sâu sắc đến vậy? Tâm thức hướng về nguồn cội này ở người Việt
được hình thành bởi khác với nhiều tộc
người thuộc nền văn hóa du mục tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc trọng sức
mạnh, trọng tài thì “…con người nông nghiệp ưa tổ chức xã hội theo nguyên tắc
trọng tình”. Nguyên tắc trọng tình này tất yếu dẫn đến thái độ trọng đức. Người
Việt đặc biệt đề cao chữ đức nên mới quan niệm “Thiện tâm ở tại lòng ta. Chữ
tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Với người Việt, cái đức từ lâu đã trở thành một tiêu
chuẩn để đánh giá nhân phẩm con người. Tùy thuộc vào các mối quan hệ khác nhau
mà chữ đức có các dạng thức biểu hiện rất phong phú đa đạng. Trong mối quan hệ
huyết tộc, ý thức về cội nguồn, gốc gác đã sinh thành ra mình được xem như là
tiêu chí đạo đức quan trọng nhất để xem xét nhân cách, đánh giá đạo đức một con
người. Do bảo lưu một hệ giá trị đạo đức truyền thống đậm chất nhân văn như vậy
nên người Việt dù thời nào cũng luôn vọng tưởng về tổ quán để thờ phụng, tri ân
với tâm niệm “Người ta có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”. Như
vậy, người Việt thực hiện tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên, trước hết là thờ cúng Tổ
Tiên dòng tộc, không chỉ bằng niềm tin tín ngưỡng mà còn thực hiện bởi đạo lý
làm người – một đạo lý mang đậm màu sắc nhân văn của nền văn minh nông nghiệp
lúa nước cổ truyền.
Bên cạnh truyền thống chung, mỗi dòng tộc còn có truyền thống
riêng. Các dòng họ đã thay nhau giữ gìn bờ cõi, quyết chống ngoại xâm, phát
triển kinh tế, thúc đẩy thương giao, mở mang văn hóa để góp phần kiến lập một Quốc
gia Việt Nam hưng thịnh. Với truyền thống khai canh lập quốc, trị nước an dân,
các hoàng tộc đã tạo dựng gam màu chủ đạo trong bức tranh lịch sử Việt Nam.
Nhiều dòng họ đã sản sinh, nuôi dưỡng và dâng hiến cho Quốc gia những nhân tài
kiệt xuất, vang danh không chỉ trong mà còn ngoài nước. Bên cạnh những danh gia
vọng tộc, người Việt còn có bách tính trăm họ bình dân. Trải qua quá trình hình
thành và phát triển lâu dài, nhiều dòng họ bình dân đã xây dựng và lưu giữ
truyền thống tốt đẹp riêng. Có những dòng họ vang danh bởi nghiệp khoa cử
Có thể nói, dòng họ là nơi tinh kết nhiều giá trị văn hóa tinh
thần đặc sắc của người Việt. Ngót 600 năm trước, trong áng thiên cổ hùng văn
Bình Ngô đại cáo, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã từng dõng dạc tuyên
bố bản sắc của nền văn hiến Đại Việt trong thế đối sánh với nền văn hiến Trung
Hoa: “Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã
lâu. Núi sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Triệu, Đinh, Lý,
Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một
phương. Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có”. Đúng
như Nguyễn Trãi đã nói. Một trong những phương diện để xác định bản sắc văn hóa
dân tộc là những danh nhân biệt tài. Những danh nhân biệt tài của đất Việt –
những con người tài năng xuất chúng, trí tuệ siêu phàm, đức dày tâm sáng –
chính là sự kết tinh đỉnh cao của văn hóa Việt ấy lại được sinh ra và dưỡng
nuôi từ muôn họ của bá tánh trăm dân.
Như
vậy, chính truyền thống dòng họ người Việt mang đậm chất nhân văn của nền văn
minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền với ý thức sâu sắc về ngồn cội đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Nó làm thức
dậy lòng kiêu hãnh tự hào, đốt cháy niềm phấn khích đam mê, tiếp thêm sức mạnh
tinh thần để cháu con bứt phá vươn lên trở thành kẻ tài đức song toàn, nối
nghiệp tổ tông, sáng danh dòng tộc, vinh hiển quốc gia. Sản sinh những tài
năng, giáo dục nhân phẩm, cổ vũ tinh thần để góp phần phát triển những biệt
tài, định hình nhân cách lớn cho nền văn hiến dân tộc, có thể nói, truyền thống dòng họ đã góp phần tạo dựng và
nuôi dưỡng bản sắc văn hóa Việt.
Để tạo lập một hệ giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần đặc
sắc trên, từ lâu, dòng họ người Việt đã
tự thiết lập một cơ cấu tổ chức gắn với cơ chế vận hành đặc biệt.
Văn hóa tổ chức cộng đồng của
dòng họ có nhiều biểu hiện. Song hai biểu hiện tiêu biểu nhất là dòng họ người
Việt được tổ chức theo nguyên tắc phụ quyền và vận hành với phương thức tự trị.
Theo nguyên tắc phụ quyền, người đàn ông tuyệt đối được đề cao trên các phương
diện kinh tế, tín ngưỡng, tổ chức dòng tộc.
Về kinh tế,
giống như dòng họ của người Hán, dòng họ người Việt thực thi chế độ kế thừa bất
động sản theo nguyên tắc phụ quyền. Theo nguyên tắc phụ quyền, chỉ có nam nhân
giữ vai trò trưởng tộc mới được hưởng đặc ân kế thừa bất động sản gồm từ đường,
ruộng vườn của dòng tộc. Nguyên tắc phụ quyền này còn chi phối đến việc trao
truyền gia sản của từng gia đình thành viên trong dòng tộc. Khi cha mẹ qua đời,
tài sản thường chia cho các con chủ yếu là con trai. Người con trưởng đảm nhiệm
việc tế tự Tổ Tiên nên được hưởng phần hương hỏa
nhiều hơn. Chính việc kế thừa tài sản theo nguyên tắc phụ quyền đã giúp dòng họ
truyền giữ của cải liên tục trong nhiều đời ở phạm vi nội tộc. Nhờ số của cải
vật chất này mà dòng họ có điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển và duy
trì các nghi thức trong việc thực hiện tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên. Nguyên tắc
phụ quyền của dòng họ người Việt còn thể hiện rõ trên phương diện tín ngưỡng.
Thủy Tổ của dòng tộc được con cháu đời đời khói hương thờ phụng phải là nam
nhân. Việc chỉ ghi nhận Tổ Tiên về phía người đàn ông đã khiến dòng họ của
người Việt về thực chất là một tổng gộp nhiều gia đình nhỏ liên kết chặt chẽ
với nhau bởi mối quan hệ huyết thống được xác định về phía người cha. Nguyên
tắc phụ quyền trên phương diện tín ngưỡng còn được thể hiện trong quy định về
người được phép tế tự Tổ Tiên. Đối với dòng họ người Việt, người đàn ông cụ thể
là tộc trưởng mới được ban phát đặc ân tế tự Thủy Tổ. Dựa trên nguyên tắc phụ
quyền, người Việt đã tổ chức dòng họ thành hai bộ phận: họ nội và họ ngoại. Họ
ngoại được xác định theo huyết thống của người mẹ cùng hệ thống thân tộc già,
dì, cậu, mợ…Họ nội được xác định theo huyết thống người cha với hệ thống thân
tộc chú, bác, cô…Tuy cấu thành bởi hai bộ phận họ nội và họ ngoại nhưng người
Việt coi trọng họ nội mà xem nhẹ họ ngoại. Người con gái một khi đã “xuất giá
tòng phu” thì coi như người ngoài họ vì theo quan niệm dân gian “Nữ nhân ngoại
tộc”. Tổ chức nội tộc của dòng họ người Việt được xác định tới 9 đời đồng tộc
danh trên cơ sở xác định một Tổ Tiên chung về phía người cha. Hệ thống cửu tộc
này bao gồm: cao tằng tổ (kỵ), tằng tổ (cụ), tổ phụ (ông), phụ (cha), ngã
(tôi), tử (con), tôn (cháu), tằng tôn (chắt), huyền tôn (chút)…mỗi gia đình chỉ
thờ cúng Tổ Tiên đến đời thứ 5, đến đời thứ sáu con cháu có trách nhiệm rước cụ
Cao Cao Tổ về từ đường dòng tộc. Chính tính chất phụ quyền trong việc đề cao
dòng dõi tôn thống của người cha khiến dòng họ của người Việt về cơ bản nghiêng
hẳn về họ nội.
Về mặt tổ chức dòng họ, tính chất phụ quyền thể hiện rõ
trong sự phân biệt trưởng thứ. Đứng đầu dòng tộc sẽ là tộc trưởng. Tiếp đó sẽ
là trưởng chi, trưởng phái, trưởng ngành, trưởng nhánh, trưởng cành…Các vị
trưởng này buộc phải là nam nhân và là con trưởng của phân cấp mà mình đảm
trách. Nhờ hệ thống trưởng thứ theo nguyên tắc phụ quyền mà từng người trong
dòng tộc được phân vai vế rõ ràng, xác định được các mối quan hệ họ hàng và vị
trí của mình trong dòng tộc: “Bé bằng củ khoai. Cứ vai mà gọi”; “Xanh đầu con
ông bác. Bạc đầu con ông chú”. Sự phân vai này khiến dòng họ người Việt tuy là
một tổ chức của nhóm người cùng huyết thống với nhiều độ tuổi khác nhau nhưng
là một tổ chức chặt chẽ, có tôn ty với hệ thống ngôi vị trưởng thứ, vai vế được
phân cấp rất rõ ràng. Không ai phủ nhận rằng nguyên tắc phụ quyền – nguyên tắc
quan trọng nhất để thiết lập tổ chức dòng họ người Việt như trên đã chịu ảnh
hưởng sâu sắc của Nho giáo Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Hồ Sỹ Tân
(1690-1760) biên soạn Thọ mai gia lễ trên cơ sở thâu nhận Chu Công gia lễ của
người Trung Quốc. Tuy nhiên, ở dòng họ người Việt, nguyên tắc phụ quyền này vẫn
có nhiều điểm khác biệt. Tuy
chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo Trung Hoa nhưng nguyên tắc phụ quyền
trong tổ chức dòng họ người Việt là
nguyên tắc phụ quyền nửa vời, không triệt để.
Về
chế độ kế thừa gia sản, nếu như ở Trung Quốc,
luật pháp thời Tống, Minh quy định rất rõ, gia sản chỉ được chia cho người thừa
kế là con trai thì ở Việt Nam, nguyên tắc phụ quyền trong chế độ kế thừa gia
sản này có điểm khác biệt, là
cho phép con gái được kế thừa gia sản, trao truyền một phần hương hỏa cho con
gái. Về tín ngưỡng, tuy người đàn ông mới danh chính ngôn thuận được phép tế tự
Tổ Tiên song trong nhiều gia đình người Việt, vì những lý do khác nhau mà người
đàn ông luôn phải rời xa gia đình và tất yếu, người phụ nữ đã thay chồng đảm
đương nhiệm vụ thờ cúng Tổ Tiên.
Điểm
nổi bật thứ hai trong văn hóa tổ chức cộng đồng của dòng họ người Việt là tính
tự quản. Trong trường hợp này, khái niệm tự quản được hiểu theo hàm nghĩa mỗi
dòng họ tự thiết lập một bộ máy tổ chức với cơ chế quản lý và phương thức vận
hành riêng.
Ở
người Việt, để quản lý dòng tộc, các dòng họ thường tự xây dựng một bộ máy tổ
chức riêng. Bộ máy tổ chức này được gọi là Hội đồng dòng tộc. Nhân sự của Hội
đồng gia tộc thường bao gồm các vị trưởng tộc, trưởng chi, trưởng ngành… Hiện
nay, nhiều dòng tộc còn đề nghị những cá nhân tuy không giữ vị trí trưởng nhưng
có tri thức, kỹ năng quản lý hoặc những cá nhân đang nắm giữ những cương vị
trọng yếu trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, những doanh nhân
thành đạt…cùng tham gia Hội đồng dòng tộc. Hội đồng dòng tộc có nhiệm vụ tự
quản lý tông tộc mình trên các phương diện: tự giải quyết mâu thuẫn để giữ gìn
an ninh hòa mục trong dòng tộc; đề xuất phương thức xây dựng và phát triển dòng
tộc; tổ chức các sinh hoạt phong tục: quan, hôn, tang, tế…của các gia đình
thành viên; định hướng và giáo dục nhân cách con cháu hướng tới các giá trị văn
hóa vĩnh hằng: chân, thiện mỹ…
Vậy
Hội đồng dòng tộc căn cứ vào đâu để quản lý dòng tộc, thực hiện có hiệu quả các
nhiệm vụ trên? Các dòng họ thường có Tộc ước. Tộc ước là những văn bản truyền
miệng hoặc thành văn thường được soạn thảo bởi Hội đồng dòng tộc trong đó có
nhiều điều khoản quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các
thành viên trong dòng tộc. Bản Tộc ước này được các thành viên của dòng tộc
thông qua và nhất trí tự nguyện thi hành. Tự hình thành một bộ máy tổ chức, tự
xây dựng một hệ thống “tộc quy” riêng để quản lý dòng họ - đó chính là biểu
hiện rất rõ của sự vận hành theo phương thức tự quản của dòng họ. Như vậy, tham
gia vào việc quản lý làng xã người Việt, bên cạnh hệ thống luật pháp của nhà
nước, hệ thống “lệ làng” của làng xã còn có thêm hệ thống “tộc quy” – một kiểu
“luật pháp” riêng của dòng họ. Đối với việc quản lý làng xã, phương thức tự
quản bằng “tộc quy” này hiển nhiên có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực.
Với
phương thức tự quản, dòng họ đã tự giải quyết mâu thuẫn nội tộc theo phương
châm “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Cách hóa giải mâu thuẫn độc đáo này
khiến dòng họ vừa khơi dậy dược tinh thần đoàn kết nội tộc, duy trì bền vững
lối ứng xử tình nghĩa của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền, vừa góp phần
đảm bảo trị an nơi thôm xóm. Việc tự định hướng trong giáo dục và xây dựng nhân
cách thành viên dòng tộc khiến dòng tộc có đóng góp không thể phủ nhận trong
việc đào tạo những cá nhân vừa có tri thức khoa học, vừa dần hoàn thiện về nhân
cách cho xã hội. Tuy vận hành tương đối độc lập với hệ thống luật pháp của quốc
gia song nhiều khi chính dòng họ giúp cho việc thực thi pháp luật của nhà nước
ở làng xã - nơi mà thói quen hành xử tập nhiễm bởi “lệ làng”, ít biết đến “phép
nước” - đạt hiệu quả rõ rệt.
Tuy
nhiên, phương thức tự quản của dòng họ như trên hiển lộ những mặt tiêu cực dễ
thấy. Vì những lý do khác nhau nên nhiều dòng họ ganh đua, phát sinh mâu thuẫn.
Tuy sống chung trong một làng nhưng gầm ghè nhau, không thể giải tỏa mâu thuẫn
nên các dòng họ đó có mối thâm thù, hận huyết truyền đời. Mối mâu thuẫn này gây
không khí căng thẳng, ngột ngạt, phá vỡ an ninh làng xã.
Tuy
nhiên, một vấn đề được đặt ra là tại sao truyền thống tự quản của dòng họ đã
bộc lộ nhiều điểm tiêu cực nhưng vẫn tồn tại dai dẳng đến tận hôm nay? Có nhiều
nguyên nhân để giải thích hiện tượng này song nguyên nhân quan trọng nhất là do
cách ứng xử của nhà nước với dòng họ. Như chúng ta đã biết, suốt 10 thế kỷ
trung đại, nhà nước phong kiến Đại Việt đã sớm nhận thấy mặt tích cực trong
phương thức tự quản của dòng họ nên đã cố gắng duy trì phương thức tự quản này.
Bằng chứng là trong các bộ luật dưới thời nhà nước phong kiến Đại Việt không
thấy có điều khoản nào ngăn chặn hoặc khắc chế phương thức tự quản của dòng họ.
Mặt khác, nhà nước phong kiến Đại Việt lại muốn lợi dụng truyền thống tự quản
này để củng cố an ninh xã hội, duy trì chế độ vương quyền. Nhà nước các thời một mặt muốn kìm hãm tính tiêu cực, mặt khác
lại muốn lợi dụng tính tích cực trong truyền thống tự quản của dòng họ để quản
lý xã hội. Chính tính ứng xử nước đôi của nhà nước như trên đã khiến truyền
thống tự quản của dòng họ tồn tại bền vững đến tận ngày hôm nay. Tóm lại, dưới
góc nhìn văn hóa tổ chức cộng đồng, nguyên tắc phụ quyền kết gắn chặt chẽ với
truyền thống tự quản của dòng họ đã góp phần tạo lập bản sắc độc đáo của văn
hóa Việt.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét